Học sinh hư

 Học sinh hư

Tôi đã không biết rằng nghề giáo viên lại có lúc giống công an điều tra, khi mềm dẻo, khi dọa dẫm.

Việc học trò lớp 8 bị bạn đâm chết hôm 1/4 với những giáo viên chúng tôi thật đau lòng. Học sinh hư là điều buồn nhất với không chỉ giáo viên, gia đình mà cả xã hội.

Tôi không bao giờ quên quãng thời gian làm giám thị trong bốn tháng ở trường cấp hai. Ngôi trường gắn camera khắp nơi. Chỉ trừ nhà vệ sinh và trong phòng học, còn lại từ sân trường, hành lang, cầu thang, phía sau trường, căn tin… tất cả đều có camera. Mục đích chính là để theo dõi và ngăn chặn kịp thời các vụ đánh nhau của học sinh.

Trong giờ học, học sinh có giáo viên quản lý. Nếu giáo viên vắng, giám thị sẽ quản thay. Quy định là không bao giờ để học sinh trong lớp mà không có giáo viên quá hai phút. Giờ ra chơi, học sinh di chuyển xuống sân trường, giám thị đi kiểm tra các lớp, không để học sinh nào ở lại trong phòng học. Cửa kéo cầu thang cũng được khóa lại để đảm bảo học sinh không lên tầng trên trong giờ nghỉ.

Tuần đầu tiên làm “cảnh sát trường”, tôi đã nghĩ học sinh ở đây chịu sự quản lý quá mức cần thiết, thời tôi đi học nào ai quản như vậy. Nhưng rồi, tôi đã phải giải quyết nhiều vụ học sinh đánh nhau.

Một lần, vừa sau tiếng trống ra chơi, “mấy chị đang đánh nhau trong lớp em cô ơi”, một học sinh lớp sáu lắc cánh tay tôi và chỉ về dãy phòng đối diện. Tôi nhìn qua, đám đông học sinh đang vây bên ngoài phòng số 18, tầng hai. Chạy thật nhanh đến hiện trường, tôi nghe tiếng hô “giám thị tới”.

Vài em dừng tay khi thấy tôi, nhưng hai em nữ vẫn giằng co, xé áo, dứt tóc nhau dữ dội. Tôi vừa hô “dừng lại”, vừa lao vào tách chúng ra. Hai học sinh buông nhau, tóc tai bù xù, váy áo tốc lên, thở hổn hển. Hai gương mặt vẫn đầy hằn học nhìn nhau, đám đông tiếp tục nháo nhào. “Tất cả đi theo tôi về phòng giám thị ngay”, tôi nói. “Rồi, vậy là xong đời”, có em xì xào. Một đồng nghiệp phải đến hỗ trợ tôi giải tán đám đông.

Tôi đã thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ vụ việc được phát hiện kịp thời, không ai bị thương. Nhưng sau khi “điều tra”, tôi bàng hoàng nhận thấy đây là vụ bạo lực tập thể, có tổ chức, tính toán kỹ lưỡng về địa điểm, thời gian.

Hai em trước đây từng là bạn thân. Vì mâu thuẫn, cả hai trở nên đố kỵ, ganh ghét nhau. Hai em đã dẫn đầu hai hội bạn của mình hẹn nhau có mặt ngay sau tiếng trống báo ra chơi, tại phòng học không có camera để giải quyết nhanh gọn, tránh giám thị. Những lý do các em đánh nhau: “đánh giúp bạn”, “bạn nhờ không thể không giúp”, “nhìn nó chảnh thấy ghét”.

Tôi gọi điện mời phụ huynh của bảy em tham gia đánh nhau đến gặp nhà trường. Hai em nữ cầm đầu bị khiển trách trước toàn trường và đình chỉ học một tuần.

Nhà trường và phụ huynh đều nghĩ mọi việc vậy là xong. Các em đã “giảng hòa”, nhận kỷ luật, phụ huynh hứa hẹn quan tâm con cái hơn. Phụ huynh ra về, nhà trường lại tiếp tục vai trò dạy học.

Nhưng bằng linh cảm của mình, tôi biết sự việc chưa kết thúc ở đây. Nếu không ngăn chặn kịp thời rất có thể sẽ thêm các vụ bạo lực khác. Tôi tìm hỏi, các em lớp 6 cho biết các chị lớp 7 đang tìm đánh đứa nào đã “méc giám thị”. Tôi tới phòng học các em, nhỏ nhẹ khuyên nhủ, nhưng trong lòng đầy lo âu.

Trên toàn quốc mỗi năm gần đây, cứ trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ mỗi 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; mỗi 9 trường học có một trường có bạo lực học đường. So với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường tăng hơn 10 lần.

Nhưng đây mới chỉ là những vụ bạo lực được phát hiện và thống kê, ngoài ra còn vô số vụ đánh nhau mà nạn nhân âm thầm chịu đựng, người lớn không biết, xảy ra ngoài trường học.

Học sinh đánh bạn hầu hết bị kỷ luật, cảnh cáo hay tạm đình chỉ học. Nhưng, những hình thức này hầu hết không mang lại hiệu quả. Kinh nghiệm làm giám thị giúp tôi nhận thấy có vài vấn đề chưa hợp lý trong nhà trường.

Thứ nhất, hình thức kỷ luật các em tham gia bạo lực như khiển trách, đình chỉ học không có nhiều ý nghĩa. Việc đình chỉ học không giúp các em nhận ra vấn đề mà ngược lại, các em sẽ bị mất bài trong thời gian nghỉ học. Bài học các môn bị bỏ lỡ, ai sẽ giảng lại cho học trò?

Hơn nữa, với các em quậy phá, việc không phải tới lớp còn thích thú hơn. Các em sẽ ở nhà học hành hay đi chơi game? Trường hợp xấu hơn là bị rủ rê, có hành vi vi phạm pháp luật nếu cha mẹ không có thời gian quan tâm. Chúng ta có vô tình đẩy các em vào cạm bẫy?

Tôi tự hỏi tại sao trường học không áp dụng những hình thức kỷ luật như lao động công ích, hay phối hợp với các tổ chức thiện nguyện giúp các em tham gia công tác xã hội vào cuối tuần? Hình thức lao động cộng đồng khá phổ biến ở các nước châu Âu, Australia và Mỹ như một phương thức giáo dục thực tế, giúp người trẻ thay đổi nhân sinh quan và thái độ sống.

Dù nhiều ý kiến phản đối, nhưng theo tôi, đối với những trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vị thành niên buộc phải được giáo dục lại trong môi trường đặc biệt như trại giáo dưỡng. Còn đuổi học như một số nơi đã làm là tuyệt đối không nên.

Bên cạnh đó, việc trang bị camera trong trường hay tổ chức cho giám thị giám sát học sinh tuy cần nhưng chưa đủ. Bạo lực cần giải quyết trước khi nó xảy ra. Học sinh hôm nay thiếu kỹ năng xử lý vấn đề cá nhân, cách để kìm nén sự tức giận, cách chấp nhận và bao dung với bạn bè, hay cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp bức bối, khó khăn.

Phòng tư vấn tâm lý học đường là ý tưởng đã được nói đến. Nhưng với tư cách một người gần gũi các em, tôi biết học sinh rất ngại ngùng. Không em nào muốn bạn bè biết mình bất ổn, bị bạn trêu chọc khi bước ra từ phòng tư vấn.

Điều này có thể giải quyết bằng cách bổ sung thêm môn Tâm lý học đường vào chương trình học bắt buộc. Thay vì ngồi trong phòng tư vấn đợi các em bước vào, chuyên gia tư vấn có thể đứng lớp, chỉ cho học sinh những cảm xúc tâm lý mình sẽ gặp, cởi mở để các em hoàn toàn có thể gặp riêng. Bởi lẽ rất nhiều em bị bạn bè hăm dọa, đánh đập nhưng sợ hãi không nói với ai.

Ngày nay, chỉ cần một like trên mạng xã hội, con bạn có thể trở thành nạn nhân của bạo lực; hay một cái nhìn lướt qua cũng bị cho là “nhìn đểu”, hay trong giờ học bạn không cho xem bài… vô vàn lý do để một đứa trẻ tham gia bạo lực mà người lớn không tưởng tượng hết.

Nếu thường xuyên tiếp xúc với nội dung xấu trên Internet và môi trường bạo lực trong đời thật, trẻ sẽ có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề của bản thân.

Bên cạnh việc người lớn trong gia đình dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, đặc biệt trước mặt con, việc để trẻ tự do xem mọi thứ trên Internet cũng là một nguyên nhân có thể tiêm nhiễm bạo lực cho trẻ.

Và dù bận rộn thế nào, dành chút thời gian trong ngày để quan tâm, trò chuyện, ta sẽ giúp con tránh được những tai hại của “kênh giáo dục Youtube”, hay bỗng một ngày trở thành kẻ đánh bạn.

Lê Thị Lý (Vnexpress)

 

HongLien

Related post