Nói thẳng: Video bẩn hay suy nghĩ bẩn?

 Nói thẳng: Video bẩn hay suy nghĩ bẩn?

Trong nhiều năm trở lại đây, bất kể là trẻ em hay người lớn, việc xem video để giải trí dường như là lựa chọn hàng đầu mỗi khi rảnh rỗi. Không khó để tìm thấy những video hàng chục thậm chí là trăm triệu view trên mạng với nội dung đa dạng khác nhau. Tuy nhiên, song hành cùng các video “vô hại” cũng có không ít những “video bẩn” với khả năng câu view cao, đang phát triển ngày càng mạnh trên mạng xã hội.

Video bẩn từ đâu mà có?

Sự nguy hiểm của những video bẩn có lẽ còn đáng sợ hơn cả bệnh dịch. Bởi lẽ bác sĩ có thể tìm ra được vắc xin, thuốc diệt virus.

Còn sự xâm hại của video bẩn, nguy hiểm ở chỗ chúng rất khó phát hiện, từ từ ăn sâu vào tâm trí, gặm nhấm tư tưởng của nạn nhân. Đặc biệt, các em nhỏ có “sức đề kháng yếu” sẽ càng dễ bị tấn công bởi “video bẩn”.

Loại “virus” này thường là sản phẩm do một người hay nhóm làm video với mục đích câu view, kiếm tiền hoặc bán hàng, tuyên truyên văn hóa phẩm đồi trụy. Đặc điểm chung của chúng là khơi gợi sự tò mò, “bản chất con” trong mỗi người.

Thậm chí, video dạng xấu, độc hại còn có thể thành trend, được nhiều người theo dõi. Chẳng hạn như giai đoạn 2018 – 2020 là thời kỳ đỉnh cao của giang hồ mạng, các video theo kiểu thử thách nguy hiểm (nghịch ngu), thử thách 24h,…

Riêng những video bẩn đến từ kênh youtube, trang tiktok, facebook,… với nhiều người theo dõi thường bị dư luận lên án nhiều hơn. Nguyên nhân vì chúng có khả năng phát tán mạnh, nhanh hơn gấp nhiều lần so với kênh thông thường.

Điển hình như vụ việc video con trai bà Tân Vlog trộm tiền, nấu gà nguyên lông hay gần đây nhất là Thơ Nguyễn với video “xin vía cho con học giỏi”. Dù vô tình hay cố ý, họ cũng phải chịu trách nhiệm đối với nội dung bản thân đã tạo dựng.

Lỗi tại ai?

Nói đi thì cũng cần nói lại, không có cầu làm sao có cung? Người xem không nghiện, không thích thú trước “video rác” thì chúng liệu còn đường sống trên mạng xã hội?

Tuy nhiên, vì đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em, thường nằm trong lứa tuổi cấp 1, cấp 2. Nên chúng vẫn chưa có đủ sức “đề kháng” bảo vệ mình trước những điều xấu xa trong xã hội. Và thật đáng buồn khi bộ phận này lại góp 1 phần không nhỏ trong việc tăng view cho “video bẩn”. Đây cũng là lý do mà trách nhiệm sẽ thuộc về những người lớn hơn, biết suy nghĩ hơn. Đó là gia đình, giáo viên và cả các trang tin tức mạng.

Người tạo clip với nội dung xấu rất đáng lên án. Nhưng bậc cha mẹ làm ngơ và những người lớn chủ động tìm xem, dùng chính video đó để ăn theo tai tiếng, lan truyền nó dù chủ sở hữu đã xóa đi cũng không thoát khỏi liên quan.

Sự tồn tại của video bẩn vẫn hiện hữu, bởi sự ủng hộ hay vô tình ủng hộ của rất nhiều người. Video bẩn gây hại cho nhận thức của giới trẻ. Nhưng chính suy nghĩ tư lợi, thờ ơ của người lớn đã khiến loại “virus” này lớn mạnh.

 >> Đọc ngay: Chống video với nội dung nhảm nhí – cuộc chiến chưa hồi kết!

Dọn sạch “video rác” – vấn đề gây nhức nhối trong cộng đồng

Dưới sự phát triển không ngừng của internet hiện nay, có lẽ xử lý triệt để “video bẩn” là điều không thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu muốn kiềm hãm không để nó “lây lan” thì vẫn có cách. Bên cạnh sự can thiệp mạnh tay từ nhà nước thông qua hình thức xử phạt, làm việc với các kênh mạng xã hội nhằm lọc video bẩn thì vai trò của mỗi một người trong xã hội đều rất quan trọng.

  • Chẳng hạn, thay vì để lại các bình luận tiêu cực, nhấn dislike, phẫn nộ, bạn có thể chọn cách nhấn report.
  • Mỗi phụ huynh thay vì “ném” cho con điện thoại để có thời gian rảnh hay dùng chúng để dỗ dành trẻ thì hãy cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều hơn.
  • Cần lồng ghép buổi hướng dẫn trẻ tác hại của video bẩn và cách để tránh xa chúng trong những giờ ngoại khóa, môn học đạo đức.

Loại bỏ video xấu cần có sự quyết tâm từ nhiều phía trong thời gian dài. Tuy nhiên, đây là điều cần kiên quyết làm. Bởi một khi trẻ bị những video này ảnh hưởng, dẫn đến những hành động tương tự và gây ra hậu quả đáng tiếc thì đã quá muộn!

HongLien

Related post