Tiêm vắc xin COVID-19 gặp biến chứng, đòi bồi thường được không?

 Tiêm vắc xin COVID-19 gặp biến chứng, đòi bồi thường được không?

Chiếm phần lớn vắc xin ngừa COVID-19 được phân phối thông qua cơ chế COVAX là vắc xin của hãng dược AstraZeneca – Ảnh: REUTERS

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đồng ý thành lập một quỹ bồi thường quốc tế, cam kết chi trả cho các trường hợp gặp phải biến chứng nghiêm trọng vì tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong cơ chế COVAX. Việt Nam nằm trong danh sách được thụ hưởng.

Trong thông cáo được phát ngày 22-2, WHO cho biết quỹ bồi thường này được áp dụng cho nhóm gồm 92 nước thu nhập trung bình và thấp đang tham gia cơ chế COVAX. Phần lớn các nước này nằm ở châu Phi và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Nhấn mạnh đây là cơ chế bồi thường thương tật do vắc xin đầu tiên và duy nhất hoạt động trên quy mô quốc tế, WHO cam kết sẽ cung cấp cho những người đủ điều kiện “một quy trình bồi thường nhanh chóng, công bằng, mạnh mẽ và minh bạch”.

Hãng tin Reuters bình luận việc WHO đồng ý thành lập quỹ bồi thường là một động thái tích cực. Theo hãng thông tấn của Anh, điều này sẽ xóa tan sự nghi ngờ và phần lớn lo ngại của các nước về chất lượng của các loại vắc xin ngừa COVID-19 được tiếp nhận thông qua cơ chế COVAX.

Kế hoạch thành lập quỹ đã được thảo luận tại WHO trong nhiều tháng. Các cá nhân có nhu cầu khiếu nại có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường tại trang web www.covaxclaims.com. Việc bồi thường áp dụng với tất cả các loại vắc xin được phân phối thông qua COVAX từ đây đến hết ngày 30-6-2022.

Theo WHO, quỹ bồi thường này hoạt động theo hình thức “no-fault compensation”, tức người khiếu nại không cần phải nộp đơn kiện ra tòa án. Sẽ có một nhóm chuyên gia đánh giá những ảnh hưởng tiêu cực của vắc xin đối với sức khỏe người khiếu nại.

WHO khẳng định quỹ bồi thường hoạt động theo hình thức này sẽ giảm nhu cầu kiện cáo đòi bồi thường vốn tốn nhiều thời gian và công sức. “Quỹ này sẽ bồi thường đầy đủ và làm cho đến cùng bất kỳ khiếu nại nào”, WHO nhấn mạnh trong thông cáo.

Ông Seth Berkley, tổng giám đốc Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) – đồng sáng lập COVAX với WHO – gọi việc thành lập quỹ là một bước “thúc đẩy lớn đối với COVAX”. Theo ông Berkley, không chỉ giúp các nước bớt lo lắng, quỹ bồi thường cũng hỗ trợ tinh thần cho các nhà sản xuất vắc xin, khuyến khích họ mạnh tay cung cấp vắc xin cho COVAX.

COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỉ liều vắc xin tới các nước tham gia trong năm 2021, trong đó có 1,3 tỉ liều dành cho 92 nước thu nhập thấp và trung bình. “Đây sẽ là đợt phân phối vắc xin nhanh nhất và lớn nhất trong lịch sử”, WHO nhấn mạnh trong thông cáo ngày 22-2.

>> Có được tự mua vắc-xin phòng Covid-19 về sử dụng?

BẢO DUY (Tuổi Trẻ)

HongLien

Related post