Người lao động phải đi cách ly phòng dịch COVID-19 được trả lương

 Người lao động phải đi cách ly phòng dịch COVID-19 được trả lương

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại một số doanh nghiệp, khu công nghiệp, khiến cho hàng nghìn công nhân phải đi cách ly. Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ trả tiền lương cho người lao động để phòng dịch COVID-19.

Ông Nguyên Hữu Tuấn, Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư thương mại Thành Công (TP HCM) cho biết, từ trước Tết, công ty đã khuyến cáo những người lao động có quê ở tỉnh Gia Lai và từ tỉnh Thanh Hóa trở ra không nên về quê mà ở lại TPHCM ăn Tết. Để người lao động không thiệt thòi, công ty đã trả lại tiền vé tàu, xe cho những người đã mua vé trước với số tiền gần 400 triệu đồng.

Trong ngày đầu đi làm, công ty yêu cầu tất cả người lao động phải khai báo y tế, những trường hợp đủ điều kiện vào làm việc ngay khi vào xưởng sẽ phải thực hiện đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Đối với các trường hợp người lao động ở những vùng có dịch sau khi trở lại làm việc, ông Tuấn cho biết đều được yêu cầu cách ly ở nhà 14 ngày. Những trường hợp này, công ty sẽ trả tiền lương trong những ngày đi cách ly cho những người về quê trong dịp Tết có lý do chính đáng, còn những người không có lý do chính đáng sẽ không được trả tiền.

Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty Triple Việt Nam cũng cho biết, hiện công ty có khoảng 90% lao động trở lại là việc sau Tết. Công ty đang yêu cầu toàn bộ người lao động phải khai báo y tế.

“Mặc dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào phải cách ly để phòng chống dịch, nhưng nếu có người lao động nào đến từ vùng có dịch phải cách ly để phòng chống dịch COVID-19, công ty sẽ thương lượng về tiền lương trong những ngày phải cách ly này”, ông Hải cho hay.

Lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, căn cứ theo Điều 99 Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định về tiền lương ngừng việc, trường hợp lao động phải nghỉ việc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì DN và người lao động sẽ thỏa thuận về tiền lương ngừng việc…

Theo đó, nếu do lỗi của người sử dụng lao động mà người lao động phải đi cách ly tập trung thì sẽ được trả đủ tiền lương. Còn nếu do lỗi của chính người lao động dẫn đến việc buộc đi cách ly tập trung, người lao động sẽ không được nhận lương.

Đối với trường hợp người lao động ngừng việc do phải đi cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiền, thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc sẽ được thỏa thuận theo quy định sau:

Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống, tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc, tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 (áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP):

Vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.

Vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.

Vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.

Vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.

>> Hơn 600 ca nhiễm, Hải Dương có chậm ‘đóng cửa’ khi chống dịch COVID-19?

Theo Vũ Phong (Tiền Phong)

HongLien

Related post