– Sau khi trở về từ New Zealand anh làm gì?
Về Việt Nam, tôi nộp hồ sơ vào trường tài năng của Đại học Khoa học Tự nhiên. Học được gần 2 năm, tôi lại hack vào hệ thống của trường. Tôi lấy thông tin thầy cô, đề thi rồi cho lại bạn bè. Mọi thứ quá dễ dàng khiến tôi nghỉ học. Lúc đó tôi nghĩ rằng, mình hack có tiền thì đi học làm gì nữa?
Dù tôi từng hứa với cha mẹ không hack nữa. Nhưng một thời gian sau, bạn bè trong giới rủ rê tôi bắt đầu hack số an sinh xã hội vì có rất nhiều người muốn mua chúng.
Bán số an sinh xã hội kiếm được nhiều hơn hack thẻ tín dụng. Thẻ ngân hàng rất nguy hiểm vì liên quan tới tiền bạc và phải trực tiếp làm. Số an sinh xã hội lấy dễ dàng và bán mỗi thông tin 1 USD cho bên thứ ba. Những kiến thức hack do tôi tự nghiên cứu trên các diễn đàn thế giới ngầm của Nga.
Ban đầu nghĩ rất đơn giản. Nó không liên quan tới tiền bạc, không liên quan tới ngân hàng là không sao hết. Nhưng tôi chưa nhận thức được số an sinh xã hội quan trọng đến chừng nào. Tôi lấy được 200 triệu số an sinh xã hội và 3 triệu số đã được bán. Đến giờ, 3 triệu người đó vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi hành động của tôi.
Ví dụ, tôi mất số an sinh xã hội, mãi mãi tôi không thể lấy lại được. Số đó được dùng để mở thẻ tín dụng, vay trả góp, mua nhà, mua xe, cho con đi học, lấy tiền hoàn thuế, lấy tiền thất nghiệp… Mỗi thông tin quan trọng của một đời người như vậy bị tôi bán lấy 1 USD.
– Kiếm được nhiều tiền từ rất sớm như vậy có khiến anh hạnh phúc?
Tôi thấy đồng tiền mình kiếm được quá dễ. Tôi dùng tiền đó mua xe hơi, tổ chức các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Nhiều người nghĩ hacker chỉ ngồi cả ngày cạnh máy tính nhưng thật ra không phải.
Sau mỗi phi vụ, hacker chìm trong những cuộc chơi không đầu không cuối. Giờ nhìn lại, ngày đó tôi sống không có linh hồn, tôi chạy theo đồng tiền, tôi không phải là tôi. Nếu thời gian quay lại, tôi sẽ không chọn cách sống đó.