Đi cách ly

 Đi cách ly

Hàng xóm đi cách ly, mẹ tôi hớt hải gọi: “Làm sao để các cô chú không phải ở trỏng hết 14 ngày?”.

“Bà Năm Lùa và cả chuyến xe bị cách ly rồi con ơi”, mẹ nói. Nhưng mẹ không gọi để báo tin cho tôi mà hỏi xem có cách nào giúp các cô chú hàng xóm được về.

“Công chiện nhà lăng đăng lê đê mà vô trỏng ngồi chơi không mười mấy ngày”, mẹ than. Vợ chồng chú Bảy còn mấy công vuông tôm chưa chuẩn bị xong. Thím Hai phải nghỉ phụ quán cơm. Anh Ba, chị Sáu, dì Tám, người phải đi trả công sửa nhà, người đi nấu cỗ đám tiệc… tất cả đều bỏ lỡ công ăn việc làm, nhà cửa. Lòng ai cũng như lửa đốt. Mẹ cũng sốt ruột lây, gọi điện cho tôi vài cuộc liên tiếp, khi chính tôi cũng đang cách ly tại Sài Gòn.

Chuyện là bà Năm Lùa, chủ “đại lý du lịch” của xóm có vài chiếc ôtô 26 chỗ chuyên tổ chức tour tham quan các tỉnh…. Bà Năm chỉ lấy tiền xe, khách tự trả tiền ăn, ở. Hình thức “du lịch nhà trồng” này khá quen thuộc ở quê tôi, một tỉnh miền Tây. Từ khi có dịch Covid cuối năm ngoái, bà Năm chưa được chuyến xe nào.

Hồi tháng 9, hưởng ứng phong trào kích cầu du lịch nội địa, bà Năm Lùa khấp khởi đón chuyến khách “mở hàng”. Lời lãi chưa kịp thấy, sau chuyến đi Đà Nẵng đúng đợt dịch thứ hai, bà và toàn bộ khách phải cách ly. “Vậy các cô chú kẹt việc có được về nhà không con, cô chú nhờ hỏi”, mẹ lặp lại. Tôi kêu trời. “Cách ly là cách ly chứ sao mà tự do đi lại được hả mẹ? Mẹ thấy người ta trốn cách ly bị phạt chưa?”, tôi vừa muốn trách, vừa thấy thương.

Đó là câu chuyện của “làn sóng Covid thứ hai”. Lúc đó Tổng cục Thống kê công bố tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức cao nhất thập niên qua. Cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch: mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Con số này tại thời điểm kết thúc quý III vừa rồi đã lên tới 31,8 triệu người. Trong đó, lao động bị giảm thu nhập là 69%; lao động phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải ngừng sản xuất kinh doanh khoảng 14%. 2020 là năm đầu tiên Việt Nam ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân trên thị trường lao động trong vòng năm năm qua.

Hai hôm nay, Sài Gòn bắt đầu nóng lên vì nguy cơ các ca nhiễm mới trong cộng đồng do sơ sểnh cách ly. Mẹ lại gọi lo âu: “Vậy là dịch nữa hả con? Tết nhất tới nơi rồi”.

Mẹ thở dài vì mấy công vuông tôm cha mẹ tôi đã dồn công chăm bẵm vài tháng qua, chuẩn bị chờ bán Tết. Hơn chục công vuông tôm khác nhà tôi để không nằm đìu hiu vì cả năm rồi dịch tới dịch lui, thêm hạn nặng rồi tiếp tới mưa dầm. Giá tôm rớt loạn xạ, xóm nuôi tôm miền Tây của tôi xơ xác như vừa qua giông bão. Mấy đứa con bà Hai bán cà phê ở Bình Dương cũng phải về quê từ đợt dịch trước vì người ta không mướn nữa. Mẹ bảo tất cả đi ra vô chờ qua ngày, đoạn tháng. Vừa được tạm ổn nhờ hơn 120 ngày không có dịch trong cộng đồng, người quê tôi khấp khởi thắp lên hy vọng vào cái Tết.

Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 lên nền kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tính đến cuối tháng tháng 9 là hơn 19% và dự báo hết năm 2020 là 39% nếu dịch kéo dài. Tăng trưởng GDP cả quý III và 9 tháng của năm 2020 đều ở mức thấp nhất giai đoạn 2011-2020, theo Tổng cục Thống kê. Nếu kịch bản dịch quay lại vào cuối năm, người sản xuất, người lao động và cả những nông dân như cha mẹ tôi sẽ bị giáng thêm đòn chí mạng. Hàng nghìn người nữa sẽ mất đi “chén cơm”, manh áo, cơ hội và cả cái Tết trước mắt.

Tôi không biết an ủi mẹ thế nào. Tôi nghĩ đến những tháng ngày chờ đợi của người đi làm, đi học, những ngày vắt kiệt mồ hôi của các nhân viên y tế. Nguồn lực quốc gia lại dồn vào chống dịch. Và đến bao giờ, chúng ta mới đuổi bắt hết những ca bệnh có thể còn lẩn khuất đâu đó trong cộng đồng?

Đường biên nào là giới hạn của các quy tắc cách ly? Nếu hồi tháng 9, các cô chú xóm tôi cũng tìm cách trốn cách ly vì “kẹt việc nhà”; nếu ai cũng cho mình cái quyền lơ là đeo khẩu trang, tranh thủ đi mọi nơi vì “chắc không có chuyện gì”… thì đất nước sẽ ra sao?

Hơn 20% người ra đường vẫn không chịu mang khẩu trang, theo cơ quan chức năng. Hàng nghìn người đã bị xử phạt vì không đeo khẩu trang nơi công cộng. Vẫn có hàng chục người tìm cách trốn khỏi các khu cách ly tập trung, khai báo gian dối, không tuân thủ cách ly tại nhà. Cách nghĩ hồn nhiên với con virus có thể trở thành một ngòi nổ phá tan nỗ lực của cả nước ròng rã nhiều tháng ngày. Liệu mức phạt hành chính vài triệu đồng với người trốn cách ly đã đủ sức nhắc nhở?

Cái Tết đang đến là hy vọng, cơ hội vực dậy của hàng nghìn doanh nghiệp, hàng triệu người – họ đã đứng trước bờ vực phá sản, mất việc và chờ đợi cả năm qua. Mùa Giáng sinh, mùa lễ lạt cũng là thời gian tranh thủ kiếm cơm của bao gia đình. Vào thời điểm hy vọng được nhen nhóm, lo lắng ập đến chỉ vì những lỗ hổng không đáng.

Chúng ta đôi khi đã cho mình quyền không đeo khẩu trang, thoải mái đi khắp nơi, và rồi trong sự hồn nhiên đó, tự mình bước qua các nguyên tắc phòng chống dịch. Nhưng trước dịch bệnh, tất cả chúng ta, dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, đều bình đẳng về sinh mạng và sinh kế, không có bất cứ một vùng trời riêng nào.

Giới hạn của cách ly không phải là hàng rào có khóa của khu vực bị kiểm soát y tế. Giới hạn ấy được thiết lập bởi chính sự tự giác và cả vị kỷ của mỗi con người.

Ngô Tú Ngân (Vnexpress)

HongLien

Related post