“Quê tôi không còn người trẻ” và câu chuyện về mảnh đất miền Trung

 “Quê tôi không còn người trẻ” và câu chuyện về mảnh đất miền Trung

Nhìn qua cửa sổ, những cánh đồng lúa ngát xanh trải dài hai bên đường quốc lộ là những thứ mà tôi không còn nhìn thấy được trong mùa lũ vừa qua. Làng quê xơ xác, cảnh vật điêu tàn là tất cả những gì còn tồn tại. Mấy cái mái ngói vẫn còn để lại những cái lổ hổng trong đợt bão vừa rồi, cái mái tôn nhà hàng xóm thì đang  nằm dưới sân. “Miền Trung mùa này là vậy, mày đi lâu rồi, chắc không còn nhớ đâu nhể”_ nụ cười nở nhẹ trên môi của Bà Mười _ hàng xóm của nhà tôi. “Cũng đã lâu rồi mới được về quê, mà giờ khác quá”_ tôi thầm nghĩ.

đường về nhà

“Mấy năm gần đây, mưa gió riết con à, làm ruộng được mấy đồng chỉ đủ để sửa nhà. Bà nuôi 3 con bò mà chết mất 1 con, mà bán bò chết thì chả được bao nhiêu tại người ta ép giá, nghèo mà còn gặp cái eo. Nhưng vậy còn đỡ, nhà ông Hưng bay hết cái nóc, sửa hết mấy chục triệu. Nhìn lại thì giữ được mạng cũng tốt, chứ ở đầu dưới có thằng nhỏ bị lũ cuốn 2, 3 ngày rồi còn chưa thấy tăm hơi”_ Bà Mười nói. Có lẽ cũng vì vậy mà người trẻ không còn ở quê.

bão

“Ở đây cũng có cái gì để làm đâu con, chủ yếu là làm ruộng, nhà nào có của chút thì nuôi thêm con trâu, con bò. Giống ông Tám Tẩu đấy, nhà nuôi được chục con bò nhưng rồi mỗi lần dô năm học là lại bán một con để đóng tiền học cho thằng út. Mà nhà mày giờ cũng đỡ, dô Nam làm ăn không biết được hay không nhưng thấy ba mẹ mày nuôi mày ăn học đàng hoàng là cũng ngon rồi. Giờ lớp trẻ như anh chị bây có đứa nào ở quê đâu? Ở đây lấy gì ăn mà sống. Tụi bây làm ở đó một tháng bằng ở đây làm lúa cả năm, tội gì về”_ Bà Mười nói. Nghĩ lại cũng đúng, vào miền Nam làm một tháng cũng được 5 – 7 triệu. Còn làm lúa thì mỗi nhà được 3 sào, mỗi vụ thu được tầm 30 bao lúa, một năm 2 vụ cũng chỉ thu được tầm 60 bao. Tính tiền phân thuốc thì chắc cũng lãi tầm 40 bao, mỗi bao tầm 200 nghìn thì quần quật một năm cũng chỉ được 8 triệu. Trong khi đó phải đội nắng, phơi sương, chả đáng tẹo nào. Có lẽ cũng vì vậy mà người trẻ không còn ở quê.

nông dân

“Rồi ở đây cũng sao bằng thành phố, nói thiệt, ở đây y chang ếch ngồi đáy giếng. Mấy đứa nhỏ ở đây thì ba mẹ nó cũng biết cái khỉ gì đâu, tại mấy đứa nào giỏi thì dô Nam sống rồi, mấy đứa khờ mới ở lại. Mà đứa không học thức cưới đứa không học thức thì đẻ ra một đàn con có biết cái gì đâu. Mấy đứa con nít học trường làng thì sao bằng mấy đứa thành phố được. Tụi nó toàn bắn bi, thả diều với câu cá, có lúc nào được đụng dô cái máy tính như bây đâu”_ Bà Mười nói. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay luôn luôn nằm chủ yếu ở thành phố, nên đó cũng là nơi thu hút được nhiều người trẻ. Có lẽ cũng vì vậy mà người trẻ không còn ở quê.

technology

“Với lại mày thấy đó, có đứa nào trẻ mà muốn ở quê đâu? Như mày đó, giờ tao hỏi mày là mày muốn về quê hay ở trong thành phố? Thôi, không cần trả lời ai cũng biết là mày chọn ở thành phố nên mấy đứa khác cũng vậy, có đứa nào muốn về đâu. Nói đâu xa, bà mày hồi còn con gái cũng ưng dô thành phố. Mà hồi đó có được như bây giờ đâu, chiến tranh riết mà bà cũng muốn dô chứ huống gì như tụi bây”. Bà Mười nói. Đúng vậy, tôi là một người trẻ, tôi muốn trải nghiệm những điều mới mẻ, đương đầu với khó khăn với thử thách chứ không phải là sống an nhàn ở quê. Có lẽ cũng vì vậy mà người trẻ không còn ở quê.

tư duy

Mỗi người trong chúng ta đều có những lựa chọn khác nhau nhưng tiếc rằng hầu hết các lựa chọn tốt đều nằm ở các thành phố lớn. Mong rằng với những chính sách của nhà nước và sự nỗ lực của một bộ phận giới trẻ sẽ giúp cân bằng lại sự chênh lệch ngày một lớn giữa thành thị và nông thôn.

Nguồn ảnh: internet

>> Những người thầy khó ưa mang lại những bài học khó quên

—TAD—

 

HongLien

Related post