Tâm sinh tướng
Tâm sinh tướng
Ngay cả chữ tâm, mà nghiên cứu và viết về chữ này, viết cả mấy tháng ròng cũng không hết. Hết đạo phật và đến đạo chúa đều nói rất sâu sắc về một chữ này. Ngày hôm qua, mình chỉ đề cập một chút về tâm và vô tâm. Hôm nay, cho phép mình đề cập về “tâm sinh tướng”.
Tôi biết nhận xét sai lầm về người qua hình dáng, cốt cách, tính cách, lời nói, thậm chí ngay cả ánh nhìn, mà sai lầm là phải tội, là tạo nghiệp, là sự vô minh. Không phải vì thế mà mình không sử dụng hệ thống các phán đoán, các kỳ vọng, các suy luận, các kết nối của suy nghĩ.
(1) Nhân dáng học sẽ nói sơ khởi về bên ngoài con người.
(i) thiện ác qua đôi mắt
(ii) sang hèn qua cái miệng
(iii) tướng mạo đo sức khỏe.
[trung cổ, người ta nhìn tướng mạo mà biết được nguyên nhân của bệnh. Trung y cổ đại giảng: “Tứ chẩn”, gọi là “vọng, văn, vấn, thiết”, tức là bốn phương pháp để thầy thuốc thăm khám bệnh, gồm có vọng (nhìn), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (sờ). Trong đó, vọng chính là nhìn thần sắc. Vọng đứng đầu trong “Tứ chẩn”, cho nên nó được đánh giá là rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh].
(iv) tâm khí kiêu ngạo thì đại sự không thành
[Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển.” Từ xưa đến nay, phàm là người thành tựu được việc lớn và lâu dài đều có đức tính khiêm tốn.
Trong “Dịch Kinh” cũng viết: “Bất luận là ai, phàm là kiêu ngạo tự mãn thì Đạo của Trời sẽ khiến người ấy bị suy yếu, còn người khiêm tốn sẽ được lợi ích].
(v) Có tâm không tướng, tướng tự tâm mà sinh
[Khi sinh ra con người đã có tướng mạo từ nhỏ, nhưng không có nghĩa rằng tướng mạo đó sẽ đi theo người đó suốt cuộc đời. Tướng mạo là sự phản chiếu của tâm tính và hành vi trong suốt quá trình khôn lớn trưởng thành. Muốn cải tạo tướng tốt thì cần phải có tâm tốt, vì vậy không cần phải lo lắng khi sinh ra có tướng mạo chưa tốt].
Hay cuốn sách nổi tiếng “Tri Nhân” của Gia Cát Lượng từng đưa ra 7 tiêu chí để đánh giá toàn diện về 1 con người: Chí – Biến – Thức – Dũng – Tính – Liêm – Tín
* Chí: Hỏi đúng sai để xem xét chí hướng.
* Biến: Đặt câu hỏi để xem xét khả năng ứng biến.
* Thức: Dùng mưu trí để đánh giá kiến thức.
* Dũng: Đặt ra tình huống nguy khốn để xem dũng khí.
* Tính: Dùng rượu-chè để xem tính tình.
* Liêm: Dùng công danh lợi lộc để xem sự liêm chính.
* Tín: Giao việc để xem chữ tín của họ.
(2) Tâm sinh ra hình ảnh trong đầu
Nghiên cứu khoa học cho thấy ý nghĩ của con người là một thứ năng lượng. Năng lượng phát ra từ tâm, từ ý và có tác dụng ảnh hưởng đến hoàn cảnh xung quanh, mà trước hết là cơ thể của người đó. Người xưa nói rằng “tâm sinh tướng”, xét ra là rất có cơ sở khoa học.
Ở đoạn cuối truyện Cửa tùng đôi cánh gài của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ta thấy vị sư huynh khi soi vào gương đã không thấy gương mặt của mình mà là mặt của “một con yêu to lớn với đôi mắt tối sâu như hai miệng giếng không đáy, hai chiếc răng dài quặp sâu vào chiếc cằm vuông, trên một khuôn mặt xám ngoét như gà cắt tiết”.
Có thể hiểu, đó không phải là gương mặt quỷ hiện ra trong gương mà là cái tâm quỷ hiện ra trước ánh sáng trí huệ. Trí huệ là giác ngộ được tích lũy và hấp thụ qua nhiều kiếp nhân sinh mới có được (theo nhà phật). Nghĩa là con người đôi khi bị tâm mình đánh lừa, làm việc xấu mà lại tin mình đang làm việc tốt, hoặc làm việc tốt nhưng với tâm sân hận, kiêu căng. Chỉ có người nào có cái tâm thật trong sáng như gương, tức trí huệ, thì mới nhìn thấu được nguồn tâm.
Nếu nghiệp của chúng sinh mà có hình tướng thì chúng chiếm đầy cả không gian. Còn tôi thì nghĩ, cũng may là nghiệp của chúng sinh không có hình tướng nên chúng sinh mới tồn tại nổi.
Ví dụ khi ta khởi niệm độc ác hại người thì có thể sẽ hiện ra hình con rắn, khi khởi tâm soi mói chuyện người thì hiện ra quỷ vương ba mắt, bốn mắt, còn ai có nhân cách méo mó thì hình dáng của nghiệp sẽ là một cơ thể dị dạng. Khổ nỗi chúng sinh thường nghĩ và làm ác nhiều hơn thiện.
Lâu lâu, chúng ta mới làm được một việc thiện, nhưng ý niệm xấu ác thì thường xuyên khởi lên trong tâm. Ngay cả việc thiện đó cũng chưa chắc xuất phát từ động cơ thiện. Cho nên sẽ rất khủng khiếp nếu ý nghĩ và nghiệp của chúng sinh có hình tướng và có thể thấy được.
Tuy nhiên, không thấy nhưng không có nghĩa là không có. Phàm phu không thấy nhưng bậc thánh thì thấy hết. Do thấy những hình tướng ghê sợ và xấu xa của nghiệp nên họ không bao giờ khởi lên ý nghĩ xấu. Còn phàm phu “điếc không sợ súng” do đó tha hồ nghĩ bậy, làm ác.
(3) Tâm tràn ra ngoài thân
Những người sân hận hay toan tính hại người, nếu bình tâm nhìn lại tâm mình, chắc họ cũng không thể nhận ra bản thân nữa, vì nó kinh khủng quá. Tuy nhiên, chúng ta đừng nghĩ rằng cái tâm ác đó chỉ được nhìn thấy khi có kính chiếu yêu, mà cái tâm ác đó cũng biểu hiện lên khuôn mặt thật của chúng ta, thân xác chúng ta, cái mà người xưa gọi là “tâm sinh tướng”. Trong tâm chúng ta có cái gì, suy nghĩ gì, toan tính gì, hiền hay dữ, thiện hay ác, tất cả đều thể hiện ra bên ngoài cơ thể, nhất là trên gương mặt.
Có thể có ai đó nghĩ rằng mình rất khéo che giấu cảm xúc. Vâng, họ có thể giấu được người khác, nhưng làm sao giấu được bản thân. Và mỗi suy nghĩ khởi lên là một đường nét mà ta đã khắc chạm vào bức tượng cơ thể của chúng ta.
Một cách cố ý hay vô tình, dù muốn hay không, thì chính tâm chúng ta là họa sĩ, là nghệ nhân điêu khắc kỳ tài nhất đã thể hiện một cách xuất sắc và chính xác từng milimét những cảm xúc bên trong nội tâm thành đường nét bên ngoài cơ thể.
Có thể một ý nghĩ xấu chưa tạc thành đường nét, nhưng ý nghĩ ấy cứ lặp đi lặp lại trong một thời gian dài thì nó sẽ tạo thành dấu ấn và lưu lại trên cơ thể, nhất là gương mặt của họ. Đừng nói một bậc giác ngộ, chỉ cần người biết xem tướng thôi cũng có thể biết được tương lai của bạn, thậm chí kiếp sau của bạn sẽ đi về đâu, vì nó đã hiện rõ ra rồi. Không phải đợi sau khi chết chúng ta mới biến thành ngạ quỷ.
Nếu có ai đó tạc một bức tượng hình thù kỳ quái và mặt mày hung tợn rồi nói với mọi người rằng đây là tượng bồ tát thì chắc không ai tin.
Vì ai cũng biết rằng phật thì hiền hòa, từ ái làm cho người nhìn hoan hỷ, còn ma quỷ thì xấu xa, ghê sợ đến nỗi không dám nhìn. Tâm như thế nào thì tướng như thế ấy vậy.
Mỗi ngày bạn và tôi đều soi gương để xem gương mặt mình hôm nay như thế nào. Nếu thấy gương mặt mình vẫn tươi sáng thì tốt, tự thưởng cho mình một nụ cười rạng rỡ. Còn thấy gương mặt mình bí xị như cái bánh bao chiều, hay có vẻ sân si thì phải coi lại cái tâm của mình.
Mình phải làm sao mà dù chuyện gì xảy ra, dù hoàn cảnh có như thế nào thì cũng phải giữ gìn tâm niệm thiện lành và ý nghĩ tốt đẹp, không để cho sự bi quan hay sân hận chiếm ngự tâm hồn. Đừng để cho những tâm trạng tiêu cực đó khắc lên gương mặt đẹp đẽ của mình những đường nét khó coi. Mà lỡ khó coi thì do tiền kiếp, lẽ nào bây giờ tiếp tục tâm xấu nữa.