Chữ nhẫn

 Chữ nhẫn
Chữ nhẫn
(忍)
(1) Chữ nhẫn
Nhẫn(忍) là nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục và kiên nhẫn. Chữ nhẫn được hình thành từ chữ tâm (心) và từ chữ đao (刃). Nhìn vào chữ nhẫn, thấy đao đè lên tâm hay đao đâm vào trong tim. Tâm là chủ quan, mà đao là khách quan. Đao mà đâm vào tim bạn, mà bạn phải sắt đá, cứng rắn để chịu đựng.
Nhẫn nhục với mục đích tích cực hiền thiện thì không thể gọi là hèn nhát, tiêu cực. Nhẫn nhục theo nhà phật là trí tuệ, là từ bi và là bằng chứng của những cấp độ giải thoát.
Nhẫn nghĩa là chịu đựng, nhường nhịn, cũng được hiểu là nhẫn nhục. Nhục là chịu khuất phục, hổ thẹn vì thấp hèn. Nhẫn nhục được xem là đồng nghĩa với kiên nhẫn, nhẫn nại, kiên trì, nỗ lực chịu đựng, chịu đựng lâu bền.
Nhẫn nhục chỉ cái tâm an tịnh trước mọi sự sỉ nhục, gây hại. Có ba loại nhẫn, chịu đựng, an nhiên về thân, khẩu, ý:
Thân: Bị hành hạ, bệnh tật, nóng lạnh;
Khẩu: Không thốt lời ác khi bị làm nhục, bị hành hạ;
Ý: Không giữ sự căm hận, oán thù trong tâm.
Cụ thể hơn là phải có 6 năng lực của người tu nhẫn:
(1) An tĩnh trước mọi lời mắng chửi, không có ý giận hờn, thù hằn;
(2) An tĩnh khi bị người ta đánh đập, hành hạ;
(3) An tĩnh trước sự áp bức, mưu hại mà không có ý trả thù;
(4) An tĩnh trước sự tức giận của người khác;
(5) An nhiên trước sự được mất, khen chê, đề cao hay hạ thấp, khổ vui;
(6) Không nhiễm phiền não.
Nhẫn là trí tuệ tuyệt đối, là sự thể nhập tính không. Nhẫn là không còn thấy ta, thấy người, tất cả chỉ là sự thể hiện tâm đại bi, thể hiện cứu độ.
Có nhà sư tu theo chữ nhẫn đến giảng pháp tại nơi dân chúng còn sơ khai, hoang dã và dữ dằn. Nhà sư sẵn sàng cam chịu sự mắng chửi, ném đá, đánh đập, thậm chí có thể hy sinh thân mạng vì đao kiếm. Cuối cùng, ngài giáo hóa được dân chúng nơi này.
Nhẫn nhục vốn được thể hiện từ xưa đến nay ở khắp nơi trên thế giới. Nhẫn nhục với mục đích tích cực hiền thiện thì không thể gọi là hèn nhát, tiêu cực. Nhẫn nhục trong nhà phật như đã nói là trí tuệ, là từ bi và là bằng chứng của những cấp độ giải thoát.
Khi gặp một vấn đề nào đó, mà muốn phá tính “nhẫn” thì ta phải hiểu thế giới vật chất là không chủ thể tức là vô ngã, không cố định tức là vô thường, vừa giả vừa thật, thật là do nhân duyên tụ hợp và giả là do giả tướng mà thấy như “bóng trăng đáy nước”, từ góc nhìn ấy với trí tuệ và từ bi, ta thực hành “nhẫn”.
(2) Hiểu sai chữ nhẫn của nhà phật
Thời xưa, vua Câu Tiễn nằm gai nếm mật, nuốt mọi tủi nhục chỉ để chờ thời cơ làm nên chuyện lớn. Như vậy, cái chữ nhẫn nhục trở thành động cơ sống, thành quái chiêu của một số người nhằm đạt đến mục tiêu cần thiết của họ. Ngược lại, chữ nhẫn theo nhà phật như trái tim bồ tát của Quan Âm Thị Kính khi bị “vu oan” mọi bề, lay động thân tâm của con người.
Hiểu sai chữ nhẫn nhất là khi ghép chữ nhẫn với chữ tâm, để trở thành nhẫn tâm, ác độc. Cũng như hiểu chữ nhẫn với thói quen chịu đựng đến mức hèn yếu, bạc nhược hết ngày này, qua tháng khác, và cơ đồ sự nghiệp, thành quả chẳng thấy đâu, chỉ thấy con người ngày càng èo uột đi, thảm hại, nhưng họ vẫn tự ru mình là ta đang nhẫn một cách chính đáng.
Nhẫn nhục một cách hèn nhát, là mềm yếu, cam chịu vô ích, rồi tự mình chìm trong cái cõi mịt mờ của mình, sẽ thành kẻ chui sâu vào vỏ ốc, và điều này sẽ làm suy thoái xã hội, đạo đức con người, làm cho cái ác, cái tham, cái xấu có mầm mống và nguy cơ phát triển.
(3) Câu chuyện vui về chữ nhẫn
Câu chuyện số 1:
Có một nhà sư chọn tu theo pháp nhẫn. Sau nhiều năm tháng nỗ lực tu tập thì sư cũng thành tựu được rất nhiều công hạnh, trụ vững như kim cương, bình an trước mọi nghịch cảnh, bị người khách ganh ghét, lăng nhục, mưu hại, sư vẫn luôn nở nụ cười trên môi thản nhiên như không. Rất nhiều người tán thán sư và thường xuyên đến chỗ sư để đàm đào và thực tập hạnh tu này, sư luôn vui vẻ tiếp đón và chia sẻ những kinh nghiệm thực tập được cho họ.
Một hôm, có một thanh niên đến tham quan chùa, anh ngưỡng mộ hạnh tu của sư nhưng vì mới tìm hiểu đạo nên không biết chuyện gì để tham vấn, nhìn quanh thấy trên tường treo tấm bảng gỗ có một chữ sư viết rất bay bướm, anh liền hỏi:
– Thưa thầy, đây là chữ gì ạ?
Sư trả lời đầy vẻ tự hào:
– Chữ nhẫn viết theo lối thư pháp, ta phải tập viết hàng trăm lần mới được như ý đấy con à.
Anh gật gù vẻ tán thưởng, sau khi đi lòng vòng ngó nghiêng đây đó anh đứng trước tấm bảng gỗ gãi đầu gãi tai:
– Thưa thầy chữ gì đây ạ?
Nhà sư tươi cười trả lời:
– Ta tu hạnh nhẫn nhục nên viết chữ nhẫn đó mà.
Một chút sau, anh lại ngắm nghía tấm bảng và hỏi:
– Thưa thầy, thầy viết chữ gì đây ạ?
– Chữ nhẫn!
Trước khi ra về anh lại tần ngần trước tấm bảng:
– Thưa thầy, chữ gì đây ạ?
Nhà sư không chịu nổi nữa, nộ khí xung thiên:
– Chữ nhẫn! nhẫn! nhẫn! Đồ ngu, ngu gia truyền! Có một chữ mà nãy giờ hỏi hoài, hỏi hoài! Cút ngay!
Câu chuyện số 2:
Ngày xưa, có hai vợ chồng nọ sống với nhau rất nhiều năm. Vào những ngày cuối đời, bà phải nằm trong viện dưỡng lão. Một hôm, khi biết rằng bà sắp phải chia tay với mình, ông hỏi bà có điều gì dặn dò ông không.
Bà đáp:
“Ông hãy lấy hộp giày tôi đang để dưới giường. Trong đó tôi cất một món đồ mà lâu nay tôi giấu ông.”
Ông chồng khệ nệ bưng hộp giày lên. Ông hỏi:
“Trong đây có gì mà xưa nay, tôi thấy bà luôn đem theo bên mình. Vì tôn trọng nhau nên tôi không mở ra xem.”
Bà đáp:
“Trong đây có một con búp bê nhỏ và một số tiền tôi dành dụm được.”
Ông hỏi tiếp:
“Tại sao bà lại có con búp bê và số tiền này?”
Bà trả lời:
“Trước khi tôi về nhà chồng, mẹ tôi có dặn tôi rằng khi nào tôi giận ông, tôi đừng nói năng chi, chỉ cần đem len ra đan một con búp bê.”.
Nghe bà giải thích xong, ông tự tay mở hộp ra và thấy một con búp bê. Nước mắt đầm đìa, ông nói với bà:
“Hóa ra mấy mươi năm chung sống với tôi, bà chỉ giận tôi một lần thôi!”
Rồi ông hỏi tiếp:
“Còn số tiền này, bà nói đã dành dụm được. Làm sao bà có được số tiền lớn như thế này?”
Bà đáp:
“Đó là số tiền tôi bán những con búp bê tôi đan khi giận ông!”. Bà nói xong, trút hơi thở cuối cùng, với ánh mắt tha thứ và yêu thương.
Ông nghe xong, hai hàng nước mắt tuông rơi, và hiểu ngay bà đã giận ông rất nhiều lần, nhưng nhờ nghe lời mẹ dạy, bà không làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Bài học từ câu chuyện
(i) Câu chuyện trên cho chúng ta đôi điều để học trong cuộc sống hằng ngày. Khi chúng ta giận, nếu không có việc gì khác để làm, chúng ta sẽ dồn hết tâm sức để “chăm sóc” nỗi giận ấy.
Làm vậy chẳng khác nào chúng ta tự đầu độc, hay tự sát. Vì thế, những khi tâm hành hạ thể xác, tính tiêu cực như lo âu, phiền muộn có mặt, chúng ta nên tìm việc khác mà làm.
Đây là một pháp tu thể hiện sự trân quý đời sống của chính mình, bằng cách không gieo hạt giống mang tính tiêu cực vào tâm thức, và không tạo điều kiện cho tâm tiêu cực xuất hiện, tàn phá đời sống của chúng ta và của người thân.
(ii) Câu chuyện còn dạy cho chúng ta biết trong “động” rất dễ có được “tĩnh”. Khi bà vợ giận chồng, bà dùng công việc “động” đan búp bê đễ giữ được tâm “tĩnh”. Chúng ta cũng vậy, khi chân tay hoặc trí óc làm việc, tâm của chúng ta rất dễ yên.
Ngược lại, nếu chúng ta không làm chi cả, tình trạng “vô công rồi nghề” rất dễ phát sinh “nhàn cư vi bất thiện”; chúng ta dễ làm những điều vụng về, làm tổn thương đời sống mình, và đời sống những người chung quanh.
Do vậy, là người ham tu, mỗi ngày chúng ta nên kiếm cơ hội để vận động chân tay và trí óc. Làm được vậy, chúng ta vừa có cơ thể khỏe mạnh, vừa có được tâm an.
Một khi chúng ta có năng lực từ tâm tịnh lạc, năng lượng đó dễ dàng lan tỏa, lây lan trong môi trường xung quanh, khiến người thân cũng được hưởng lợi, hoặc khiến người thân thay đổi hướng thiện và hướng thượng như ý mình muốn.
(iii) Chúng ta đến nhân gian này, người quen cũng như người lạ, tất cả gặp nhau một chút rồi chia tay.
Từng ngày hãy gieo vào tâm những hạt giống thiện lành, thay vì phá hoại cuộc sống mình và người bằng những tâm hành tiêu cực.
Hãy sống hết lòng với nhau để khi phải chia tay, chúng ta không hối hận vì đã gây phiền muộn biết bao nhiêu lần cho người thân; khiến mỗi lần giận, người thân phải đan một con búp bê. Giống như ông chồng trong câu chuyện, khi nước mắt đầm đìa xin lỗi vợ, lúc ấy đã quá muộn.
Từng ngày gieo hạt giống lành thiện đâu phải là đạo lý cao siêu của nhà phật, mà chỉ là quan niệm sống bình thường mà người thông minh nào cũng làm được.
Cho phép mình được kết thúc ở đây, vì chỉ sợ mọi người không đủ “nhẫn” để đọc tiếp. Phải giữ mối cho lần đọc sau.

Related post