Các loài cá kỳ quái nhất hành tinh
Với ngoại hình độc đáo, khác lạ, cá mặt trăng, cá mập Wobbegong, cá cần câu, cá chiêm tinh, cá dơi môi đỏ, cá giọt nước hay cá mập Goblin… được mệnh danh là những loài cá kỳ dị nhất hành tinh.
Cá vượt thác
Cryptotora thamicola, tên khoa học của cá vượt thác, là một loài cá vây tia sống trong các hang động sâu dưới lòng đất ở Thái Lan. Vì thế, người ta còn gọi chúng là cá hang động. Mắt của chúng tiêu biến hoàn toàn. Tuy nhiên, điều khiến Cryptotora thamicola trở thành loài cá độc nhất vô nhị là chúng đặc biệt thích bơi ở các dòng chảy mạnh, thậm chí tại các dòng thác dựng đứng. Chúng sử dụng 4 vây để bám chặt vào mặt đá trơn để nước không thể cuốn trôi. Chúng còn có thể leo lên các vách đá phía sau thác nước.
Cá 3 chân
Cá 3 chân là một trong số ít loài động vật tĩnh. Giống như san hô, bọt biển, hải quỳ và một số sinh vật biển khác, chúng chỉ đứng yên tại chỗ, chờ các sinh vật phù du trôi tới gần để tấn công. 3 vây của chúng rất mỏng, mở rộng theo chiều dài, giúp chúng giữ nguyên vị trí dưới lòng đại dương sâu thẳm. Cá 3 chân chỉ di chuyển khi thực sự cần thiết. Chúng sử dụng hai vây trước để bắt và lùa thức ăn vào miệng.
Do không cần đuổi theo con mồi, mắt cá 3 chân hầu như mù. Ngoài ra, chúng là sinh vật lưỡng tính nên không sống theo bầy cũng không thường xuyên gặp cá thể khác cùng loài.
Cá chiêm tinh
Cá Stargazer (chiêm tinh hay sao Nhật) có tên khoa học là Pleuroscopus pseudodorsalis. Đây là loài cá thường sống ở độ sâu từ 40-800m dưới đáy biển, có chiều dài cơ thể từ 18-90cm.
Với hàm răng lởm chởm, nhọn hoắt và đôi mắt hung ác, cá chiêm tinh cũng được xếp vào những loài cá xấu xí nhất thế giới.
Là loài động vật ăn thịt chuyên đánh lén, khuôn mặt hếch cho phép cá chiêm tinh giấu gần như toàn bộ cơ thể dưới cát hoặc bùn, chờ con mồi bơi tới gần. Khi há miệng, cá chiêm tinh có thể biến thành “hố sát thủ” với khả năng nuốt trọn con mồi có kích thước tương tự chúng.
Một số loài cá chiêm tinh thậm chí còn có thể hút mồi bằng lưỡi dài. Vài loài khác có cặp cựa cực độc phía sau đầu hoặc cơ quan phóng điện nằm giữa hai mắt. Đây là vũ khí giúp chúng làm tê liệt con mồi nhỏ hoặc gây đau đớn cho những loài lớn hơn.
Cá mèo đất
Thuộc họ Phreatobius, cá mèo đất là động vật hiếm và khá bí ẩn. Chúng là loài cá duy nhất không sống dưới nước mà thường trườn trên các đống lá ẩm ướt dọc theo bờ suối. Da chúng có màu hồng, lầy nhầy. Vì cá mèo đất sống chủ yếu dưới lòng đất nên mắt chúng gần như mù.
Cá lưỡi trâu
Danh hiệu “loài động vật có xương sống kỳ lạ nhất thế giới” thuộc về cá lưỡi trâu. Khi mới ra đời, chúng tương đối bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình sinh trưởng, hộp sọ của cá lưỡi trâu dần biến dạng. Cuối cùng, hai mắt của chúng cùng nằm về một bên cơ thể. Đặc điểm cấu tạo này cho phép loài cá đặc biệt nằm trên một mặt phẳng, ngụy trang thành một tấm thảm có khả năng ăn thịt.
Vây ngực của cá lưỡi trâu tiêu giảm dần theo thời gian. Phần lớn chúng có môi thuôn dài hoặc mõm bao quanh phía trước hàm khiến miệng chúng trông giống như một lỗ răng, cho phép chúng bắt mồi đồng thời từ hai bên cơ thể.
Cá mặt trăng
Cá mặt trăng có tên khoa học là Mola Mola, là loài cá biển cỡ lớn, thường lặn xuống dưới vùng nước sâu, nơi nhiệt độ rất thấp.
Loài cá này có hình dạng khá kỳ lạ. Nhìn tổng thể chúng có thân hình bầu dục tròn ở phía trước và dẹt về phía đuôi. Chiều dài thân có thể đạt từ 3,5-5,5m. Đặc biệt, miệng của loài cá này rất nhỏ, mỗi hàm có hai răng dính vào nhau làm thành một cái mỏ. Với cái miệng đặc dị như vậy nên chúng không thể nuốt mồi to mà chỉ chuyên ăn giáp xác nhỏ và các phiêu sinh vật khác.
Một cá mặt trăng mẹ có thể đẻ tới 300 triệu trứng chỉ sau 3 tuần mang thai. Cá con khi nở ra chỉ nhỉnh hơn một hạt cát,, nhỏ hơn cơ thể con mẹ tới 600 lần. Tuy vậy, cá con lại lớn rất nhanh, chỉ sau 15 tháng sau khi trứng nở, chúng có thể tăng lên tới 373kg.
Lúc còn nhỏ, cá mặt trăng cũng như bao loài cá khác, bơi rất khỏe theo đàn. Cho đến khi lớn, chúng càng trở nên lười biếng, chỉ sống một mình và thả cơ thể trôi lơ lửng theo dòng hải lưu đến khắp các đại dương.
Cá mập Wobbegong
Loài cá này sinh sống ở vùng rạn san hô ven bờ ngoài khơi phía bắc Úc, New Guinea và những đảo lân cận, được biết đến là một trong những loài cá mập “dị” nhất hành tinh.
Wobbegong sở hữu thân hình khá to lớn theo dáng dẹt, màu sắc da lốm đốm và những cái râu xung quanh, bởi vậy chúng còn được gọi là cá mập thảm.
Cá mập Wobbegong được mệnh danh là “bậc thầy ngụy trang” dưới đáy đại dương. Bằng cách lợi dụng tấm da lốm đốm màu sắc và râu ria giống như rong biển, chúng giả làm san hô, ẩn thân trong lớp cát dưới đáy biển.
Tuyệt chiêu của loài cá mập này là nằm yên dưới lớp cát, khi con mồi lơ đễnh tiến đến đủ gần, chúng tấn công chớp nhoáng bằng cách mở miệng cực rộng sau đó ngậm lại nhanh chóng không để con mồi thoát thân.
Hiện tại, cá mâp thảm Wobbegong được xếp vào loại động vật ở mức gần nguy cấp.
Cá cần câu hay cá Wolftrap (Anglerfishes)
Đây là loài cá thuộc họ cá xương Lophiiformes, sinh sống tại các vùng nước sâu thuộc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Cá cần câu sở hữu thân hình kỳ dị với chiếc đầu “ngoại cỡ”, hàm trên lớn bất thường và có thể gập xuống để ngậm trọn hàm dưới. Ngoài ra, chúng còn gây chú ý nhờ chiếc “cần câu” tự nhiên trên đỉnh đầu.
Chiếc “cần câu” của cá Wolftrap khiến con mồi tự lao vào miệng chúng. Với hàm và dạ dày có khả năng tự giãn nở, cá cần câu có thể tiêu hóa được con mồi lớn gấp đôi cơ thể chúng.
Thân hình xấu xí là lợi thế của cá cần câu, giúp chúng ẩn nấp và chờ đợi con mồi tự sa vào miệng. Với khả năng săn mồi “cực đỉnh”, loài cá này còn được gọi là “quái vật” của biển khơi.
Cá dơi môi đỏ
Cá dơi môi đỏ có tên khoa học là Ogcocephalus darwini. Chúng được tìm thấy ở vùng nước sâu quanh quần đảo Galapagos ở Thái Bình Dương và ngoài khơi bờ biển Peru.
Giống như tên gọi, cá dơi môi đỏ có môi đỏ trông rất kỳ dị cùng một thân hình phẳng, dẹt và đôi vây giang rộng như cánh dơi. Đôi môi đỏ của chúng có thể được sử dụng để thu hút bạn tình hoặc ngụy trang cho việc săn mồi.
Khi trưởng thành, vây trên lưng của cá dơi môi đỏ sẽ phát triển giống như một ngón tay trên đỉnh đầu. Theo các nhà khoa học, cái vây này được nó dùng để thu hút, “bẫy” con mồi. Thức ăn của chúng là những con cá, tôm, giáp xác…
Cá giọt nước
Cá giọt nước có danh pháp Psychrolutes marcidus, là loài cá biển sống sâu ở vùng nước ôn đới. Môi trường sống của chúng nằm ở biển sâu ngoài bờ biển lục địa Australia (vịnh Broken), New South Wales và Tasmania, cũng những một số vùng nước sâu ở New Zealand.
Vẻ ngoài được so sánh với nhân vật Jabba the Hut trong phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao), loài cá này có ngoại hình xấu xí nhất. Cá giọt nước có màu da trắng sữa hoặc hồng. Nếu nhìn theo phương nằm ngang, chúng giống gương mặt người đàn ông béo phì mang dáng vẻ cáu gắt, mũi hình củ hành.
Cơ thể loài cá này được cấu tạo từ các khối gelatin nhão với mật độ nhẹ hơn nước, giúp chúng nổi lơ lửng ở nền đáy biển, chịu được áp suất lớn. Cá giọt nước rất “lười biếng” trong việc di chuyển. Chúng lơ lửng trong nước, chờ đợi con mồi đi qua rồi nuốt trọn con mồi.
Cá mập yêu tinh
Cá mập Goblin (cá mập yêu tinh) cũng được coi là loài cá kỳ lạ nhất hành tinh.
Chúng được xem là quái vật tiền sử, thành viên còn sót lại duy nhất của họ Mitsukurinidae – có niên đại hơn 125 triệu năm.
Là loài cá mập sống dưới biển sâu, Goblin có dáng vẻ cực kỳ xấu xí, đáng sợ với chiếc mũi dài ngoằng giống như mỏ chim. Hơn nữa, cá mập yêu tinh còn có toàn thân màu hồng và bộ răng sắc nhọn có thể nghiền nát mọi thức ăn.