Ngỡ đã chết 50 năm trước, người em gái bất ngờ tìm về đoàn tụ cùng gia đình

 Ngỡ đã chết 50 năm trước, người em gái bất ngờ tìm về đoàn tụ cùng gia đình

Bà Sáu (hàng trước, bìa trái) cùng con cháu trong ngày đoàn tụ tại Sóc Trăng – Ảnh: L.TRANG

Ngỡ em gái ruột đã chết vì bom đạn, suốt 50 năm nay, người anh ở Duy Xuyên (Quảng Nam) đã lập bàn thờ, làm lễ giỗ. Nào ngờ một ngày giữa tháng 5 này, người em thường ngày ở sau những nhang khói nghi ngút đã trở về bằng hình hài thật.

Ngỡ rằng người em gái ruột của mình đã chết vì bom đạn chiến tranh, suốt 50 năm nay người anh ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã lập bàn thờ, làm lễ giỗ. Nào ngờ một ngày giữa tháng 5 này, người em thường ngày ở sau những nhang khói nghi ngút đã trở về bằng hình hài thật.

Cuộc hạnh ngộ khó tin ấy được thực hiện bởi một cán bộ công an “giấu mặt” tại Đà Nẵng.

50 năm làm giỗ cho… người sống

Câu chuyện của ông Phạm Sung (80 tuổi) và cô em gái ruột tên là Phạm Thị Sáu (78 tuổi) vẫn còn râm ran xóm nghèo Thi Lai ở quê lụa Duy Trinh, huyện Duy Xuyên suốt mấy tuần dù chuyện đã “rõ mười mươi”. Đến nay vẫn còn người đến nhà ông Sung chộn rộn hỏi thăm. Ông Sung cũng vừa trở về sau cuộc đoàn tụ với người em gái ruột hiện sống ở Sóc Trăng sau 50 năm xa cách.

Chị Nguyễn Thị Cúc, con dâu ông Sung, kể rằng ba chồng chị có một người em gái ruột tên là Phạm Thị Sáu, bị thất lạc vào khoảng năm 1970 tại Đà Nẵng. Những năm miền Trung còn trong chiến tranh, cha mẹ của ông Sung, bà Sáu dẫn đàn con ra Đà Nẵng và buôn bán ở khu vực chợ Hàn. 

Năm lên 18-20 tuổi, bà Sáu có quen biết một người đàn ông tên Dũng. Hai người có với nhau một đứa con và dẫn nhau về vùng Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) sinh sống. Trong một trận đánh ở Quảng Điền thì ông Dũng đã biệt tăm. Bà Sáu ôm con đi về hướng Nam, mất hẳn liên lạc với gia đình từ đó.

Chị Cúc chỉ vào đám cây bụi bị bỏ hoang phía trước nhà của cả gia đình, nói suốt 50 năm nay, cứ đúng vào trưa 11-5 âm lịch hằng năm, ông Sung đều dẫn các con ra đám đất đó để đốt nhang làm giỗ chung cho những người trong họ đã qua đời. Một trong những thẻ nhang được đốt là dành cho người mà các con ông Sung gọi bằng “cô Sáu”.

“Mỗi lần kể về cô Sáu, ba chồng tôi đều khóc. Ông bảo với các con là nếu có thương thì ngày giỗ mỗi đứa thắp cho cô một que nhang. Ông nói rằng cô Sáu chết khi 18-20 tuổi, còn nếu sống cô đã tìm đường về rồi” – chị Cúc nói.

“Đường về nhà” của cô Sáu

Câu nói “nếu cô Sáu còn sống thì tự biết đường về” của ông Sung thật sự khiến nhiều người ám ảnh, có niềm tin mà như vô vọng để rồi tròn 50 năm, cô Sáu về tới nhà. Chị Trần Thị Hồng Gấm, cháu ngoại bà Sáu, cho biết mấy chục năm nay bà Sáu sống cùng gia đình tại tỉnh Sóc Trăng. Thỉnh thoảng chị Gấm có nghe ngoại nói về việc bà mất thông tin gia đình, gần đây khi sức khỏe đã yếu nhiều thì bà Sáu lại kể nhiều hơn. Người phụ nữ 78 tuổi mãi khao khát tìm về được quê cha, quê mẹ.

Chị Gấm âm thầm ghi chép lại những thông tin đó. Nhưng những thông tin đứt quãng, rời rạc nhau như nhà ở chợ Hàn (Đà Nẵng), cha tên Phạm Sung (cùng tên với con trai mình), sinh sống ở đường Hoàng Diệu… nghe quá mông lung. Rồi chị Gấm tình cờ tìm thấy được trong đồ đạc của ngoại có một mẩu giấy nhàu cũ ghi số nhà, tên cha, tên mẹ của bà Sáu. Mọi chuyện bắt đầu có manh mối từ đây.

Một ngày cuối tháng 4-2020, chị Gấm đăng mẩu thông tin tìm người thân kèm tấm giấy có thông tin trên lên mạng xã hội, mong tìm cơ may cho ngoại. Nhiều ngày trôi qua mà chẳng có tăm tích. 

Chị Gấm tìm trang Facebook của một đơn vị thuộc Công an TP Đà Nẵng và tiếp tục gửi gắm. Thật may mắn, câu chuyện tìm quê của “cô Sáu” đã lay động một cán bộ công an ở đó. Người này lấy số điện thoại của người đăng tin, tìm cách khai thác thêm các nguồn rồi lục tìm cả ở tàng thư của công an. Nhưng mọi thứ vẫn trong vô vọng.

Một ngày vào tháng 5, thông tin “tìm người thân” kèm bức ảnh chụp tờ giấy cũ nhàu của “cô Sáu” được cán bộ công an tiếp tục đăng tải. Mẩu tin đó nổi trên điện thoại của một người phụ nữ sống tại huyện Duy Xuyên, là họ hàng của ông Sung. 

Cán bộ công an nhanh chóng kết nối và thật may, hầu như mọi dữ liệu, lai lịch, nhân thân, mốc thời gian của ông Phạm Sung và bà Phạm Thị Sáu đều trùng khớp.

Ngỡ đã chết 50 năm trước, người em gái bất ngờ tìm về đoàn tụ cùng gia đình - Ảnh 2.
Bà Sáu và ông Sung trong bữa cơm sau 50 năm xa cách – Ảnh từ video do gia đình ghi lại

Ngày diệu kỳ – máu mủ gặp nhau

Cuối tháng 5, một cặp vợ chồng từ TP Đà Nẵng chạy xe tìm tới nhà ông Phạm Sung. Hai người này gợi chuyện và chứng kiến khoảnh khắc nhớ thương, khắc khoải và chết tàn hi vọng về đứa em gái của ông. 

“Nó chết rồi chứ còn sống thì đã tìm đường về nhà” – ông Sung lại ứa nước mắt, nói. “Không cụ ơi, cô Sáu còn sống, ít hôm nữa cổ sẽ trở về”. Câu nói đó làm ông Sung giật nảy. 

“Sáu còn sống? Nó ở đâu, sao nó không về? Làm sao tôi tìm được Sáu?…” – những câu hỏi dồn dập được ông Sung đặt ra.

Cặp vợ chồng “người lạ bí ẩn” từ Đà Nẵng tìm tới nhà ông Sung này chính là cán bộ công an – người đã âm thầm tiếp nhận thông tin từ chị Gấm trong Sóc Trăng và dành nhiều tháng tìm kiếm thông tin đoàn tụ cho gia đình.

Trở về từ nhà ông Sung, cán bộ công an này đã sắp xếp một cuộc “kỳ ngộ” xúc động y hệt chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly ngay tại Quảng Nam. Kế hoạch đặt ra là bà Sáu sẽ được đưa ra Duy Xuyên hội ngộ cùng anh trai. Nhưng kế hoạch buộc phải thay đổi bởi sức khỏe bà Sáu chuyển yếu đột ngột. Thay vì ở lại quê đón em, gia đình ông Sung sẽ vào Sóc Trăng, tìm đến nhà “cô Sáu” vào một ngày thích hợp.

Nhưng lịch hẹn lại bị thay đổi do cán bộ công an có kế hoạch đột xuất. Anh điện thoại cho người nhà hai bên và bảo rằng sẽ cho thông tin của hai gia đình, bởi sắp tới anh phải tham gia đánh án. 

Đã rõ thông tin mà không kết nối được cho ông Sung, bà Sáu gặp được nhau sớm thì không đành. Chị Phạm Thị Quý, người con thứ sáu của ông Sung, nói rằng gia đình chỉ biết người công an tên Hào, anh cũng đã hẹn sẽ bay vào Sóc Trăng để dự khoảnh khắc đoàn tụ. Nhưng giờ chót thì anh có nhiệm vụ nên gia đình đã chủ động đón xe về tỉnh Sóc Trăng theo địa chỉ anh cung cấp.

Và mọi thứ đã không ngoài mong đợi. Cuộc đoàn tụ diễn ra trong những hàng nước mắt dồn ứ suốt 50 năm. Khi vào đến nhà, thấy “cô Sáu” ngày nào thất lạc giờ đã là một bà cụ đứng lom khom ở bậc thềm. Họ ôm nhau khóc. 

Không ai có thể tin rằng bà Sáu còn sống. Gặp lại anh, cô Sáu ngày nào giờ cũng chỉ biết miết bàn tay run rẩy của mình lên khuôn mặt anh mà khóc. Cô Sáu bảo rằng mấy chục năm lưu lạc, ở Sóc Trăng lo chuyện mưu sinh rồi cũng có lúc quên hẳn chuyện sẽ tìm về quê. Nhưng bà cũng chẳng biết đi đâu, bắt đầu tìm kiếm như thế nào, cho tới những ngày cuối đời khi tìm đến đứa cháu ngoại để gửi gắm.

Sẽ có thêm cuộc đoàn tụ?

Người nhà của cả bà Sáu lẫn ông Sung cho biết họ không thể liên lạc và tìm gặp cảm ơn người chiến sĩ công an tốt bụng tại

Đà Nẵng đã dành tâm lực nhiều tháng tìm thông tin đoàn tụ. Nhưng người này đều từ chối và nói qua điện thoại rằng “chỉ muốn thấy khoảnh khắc đoàn tụ của hai anh em là hạnh phúc rồi”. “Chúng tôi mang ơn anh ấy, anh Hào, người mà chúng tôi chỉ được nói chuyện qua điện thoại cho tới lúc này” – chị Trần Thị Hồng Gấm nói.

Phóng viên Tuổi Trẻ cũng cố gắng liên lạc với anh Hào tại Đà Nẵng nhưng anh chỉ nói rằng mình làm vì đơn giản là một người lính. “Tôi không muốn kể nhiều về mình, nhưng ngoài chuyện ông Sung, bà Sáu tìm ra nhau thì tôi còn kết nối và tìm ra được một người thân khác của gia đình cô Sáu”. “Ý anh nói là ông Dũng – người chồng đầu của cô Sáu?”. Nghe câu hỏi này, anh Hào bảo rằng không thể khẳng định nhưng “thông tin đã khớp 99%”!

Nguồn: Tuổi trẻ

LittleWind

Related post