Sự vắng mặt của tòa án lương tâm
Vụ các thầy cô giáo sửa điểm ở tỉnh Hòa Bình đã xét xử. Tòa án công lý đã phán xét. Tuy nhiên, còn một phiên tòa nữa, đó là tòa án lương tâm.
Cách đây 6 năm, có một vụ chìm tàu ở Hàn Quốc, thầy Kang Min-Kyu đã được cứu sống. Không một ai kết tội thầy. Tòa án công lý không xử tội thầy. Tuy nhiên, thầy đã thắt cổ tự tử vì thầy không thể sống khi học sinh của mình đã mất. Thư tuyệt mệnh của thầy là thầy mong muốn được thiêu và rải tro cốt của thầy xung quanh nơi đắm tàu Sewol và thầy tự hỏi không biết qua thế giới bên kia, thầy còn được làm thầy của các học trò thân yêu của mình nữa không? Thầy đã không vượt qua được tòa án lương tâm.
Không biết tòa án lương tâm của các thầy cô ở Hòa Bình này như thế nào?
(1) Các thầy cô có biết như thế là không công bằng đối với các em học sinh “dùi mài kinh sử”, phải thức khuya, dậy sớm để học hành?
(2) Các thầy cô có biết rằng nâng điểm như thế sẽ đưa những học sinh kém tài, kém đức vào bộ máy xã hội?
(3) Thước đo chuẩn mực quốc gia đã bị các thầy cô bẻ cong và vỡ vụng ra hay nói một cách khác là xóa tên Việt Nam ra khỏi bản đồ giáo dục thế giới?
(4) Các thầy cô có biết rằng làm như thế là xúc phạm và tổn thương nghiêm trọng đến các nhà sư phạm và các nhà khoa học của nhiều thế hệ khác nhau, đã, đang và sẽ miệt mài âm thầm, lặng lẽ, từng ngày, từng giờ cống hiến cho nền giáo dục nước nhà?
Tôi được mọi người dạy phải cười để có thể mang mọi người lại gần nhau hơn. Nhưng nụ cười của các thầy cô có thể không phải như vậy. Tòa án lương tâm có thể vắng mặt, thì tòa án nhân quả đang chờ đợi các thầy cô.