Buông, ngã, tĩnh và vô tướng
Bên trên có một cuốn sách đọc vô ngã (being nobody) và vô ưu (going nowhere). Bạn có thể nghe. Bên dưới là những câu chuyện ngắn và các cảm ngộ, phân tích.
(1) Buông bỏ
Trong bài trước, mình có nhắc đến chữ buông. Nay cho thêm ví dụ để sau này có áp dụng. Hơn nữa, lặp đi lặp lại cũng giúp đỡ quên. Vì sau này còn học thêm nhiều chữ nữa, chữ không, chữ vô minh, chữ nhân và các chữ khác.
Câu chuyện số 1:
Sư phụ: Nếu các con muốn nấu một bình nước sôi, nhóm lửa đến nửa chừng rồi mới phát hiện không đủ củi, các con làm thế nào đây?
Có đệ tử nói phải nhanh đi tìm củi, có đệ tử nói phải đi mượn củi, có đệ tử nói phải đi mua củi.
Sư phụ: Vậy tại sao các con không đổ một ít nước ra khỏi bình?
Cảm ngộ: Chuyện trên đời không phải tất cả đều như ý mình được, có thể buông bỏ đi mà không phải đi tìm.
(2) Vô ngã
Hình như trong một bài nào đó mình có bàn về chữ ngã. Nay xin nhắc lại thêm một chút. Bạn nào chưa rõ thì xem bài chữ buông và chữ ngã.
Câu chuyện số 2:
Khi trong ly thủy tinh đựng đầy cà phê, mọi người nói “đây là cà phê”; khi đựng đầy nước, mọi người nói “đây là nước”; chỉ khi chiếc ly không đựng gì, mọi người mới nhìn đó là chiếc ly.
Cảm ngộ: Cũng như vậy, khi trong lòng chúng ta tràn đầy học vấn, tiền tài, danh vọng, thành tựu và thành kiến, thì đã không còn là chính mình. Thường khi đã có được hết thảy mọi thứ, thì lúc đó mình có thể không còn là mình. Như vậy, lúc ấy chúng ta tiếp thu triết lý mới và vấn đề mới ở bậc thấp nhất. Phàm thì học càng cao thì cái tôi và tính ỳ càng lớn. Một cái đầu đầy ắp rồi, nhét cái gì vô đây.
(3) Tĩnh
Câu chuyện số 3:
Một hôm, người con lỡ làm lạc mất chiếc đồng hồ đeo tay, cậu ta bực bội lục lọi tìm kiếm khắp nơi, nhưng tìm cả buổi cũng không thấy. Đợi đến khi cậu ra ngoài, người cha lặng lẽ vào phòng, trong chốc lát đã tìm được.
Người con hỏi: Sao mà ba tìm ra được vậy?
Người cha trả lời: Ba chỉ ngồi im lặng, một lát sau có thể nghe được âm thanh tí tách nho nhỏ, thế là ba tìm ra.
Cảm ngộ: Chúng ta càng nôn nóng tìm kiếm, càng tìm không ra thứ mình muốn tìm, chỉ có bình tĩnh lại, mới nghe được âm thanh trong đáy lòng. Trên đời này, có những thứ chúng ta không làm gì cả, thì tốt hơn là phải làm và cố gắng làm.
(4) Con mắt vô tướng
Câu chuyện số 4:
Khi các trò đến thăm thầy, thầy pha cà phê mời. Vì quá đông các trò, cho nên pha cà phê gói Trung Nguyên vào các ly khác nhau. Những cái ly đẹp được lựa chọn. Chỉ còn lại mấy cái ly xấu. Thật ra các trò chỉ uống cà phê, chứ không ăn cái ly. Cùng là cà phê hết mà? Ồ! Bao nhiêu năm đi làm việc mà giờ này vẫn còn kẹt hết vào thế giới bên ngoài.
Cảm ngộ: Ai trong chúng ta cũng có con mắt vô tướng. Các bạn ở đây cũng đều có con mắt đó. Nếu chúng ta sử dụng được con mắt vô tướng, chúng ta có thể thấy được những cái mà người khác không thấy.
Khi nhìn một đám mây, nhờ tướng trạng của đám mây, chúng ta nhận diện ra được sự có mặt của đám mây. Như vậy, nhận thức, tri giác của chúng ta căn cứ vào hình tướng đám mây. Khi đám mây đã trở thành mưa rồi thì hình tướng đám mây không còn nữa. Lúc đó, chúng ta phải sử dụng con mắt vô tướng mới nhận diện ra được sự có mặt của đám mây trong cơn mưa. Đám mây không thể nào chết, đám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành tuyết hoặc thành nước đá. Chết trong tư duy của chúng ta có nghĩa là từ có mà trở thành không. Một đám mây không bao giờ có thể từ có mà trở thành không được.
Đạo Phật hay nói đến tính vô sinh và bất diệt của mọi sự vật. Đám mây là vô sinh vì nó không thể từ không mà trở thành có. Trước khi là một đám mây, nó đã là một cái gì khác rồi như nước ao hồ, nước sông, nước biển và sức nóng của mặt trời. Khi những điều kiện ấy đến với nhau là có sự biểu hiện của đám mây.
Chúng ta có thể thấy được tiền thân của đám mây bằng con mắt vô tướng. Tiền thân của đám mây là nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển và sức nóng của mặt trời.
Chúng ta cứ tiếp tục nhìn đám mây bằng con mắt vô tướng cũng có thể thấy được hậu thân của đám mây, tức là sự tiếp nối của đám mây qua những hình thái khác như những lọn tuyết, những tảng băng, những cơn mưa hay một dòng sông.
Chúng ta có ý niệm về sinh và về diệt. Sinh đối với chúng ta là từ không mà trở thành có. Nếu quan sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng không có vật nào từ không mà có thể trở thành có được. Đám mây cũng vậy, cây bắp cũng vậy. Cây bắp không thể từ không mà thành có, cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp và hạt bắp là sự tiếp nối của cây bắp.
Nếu chịu luyện tập thì chúng ta cũng có thể có con mắt vô tướng. Có con mắt vô tướng, chúng ta có thể thấy được tính bất sinh bất diệt của chính chúng ta, của đám mây, của nhiều sự kiện chung quanh ta. Nhờ thế, ta sẽ vượt qua sợ hãi, sợ hãi cái chết, sợ hãi hư vô.
Triết lý nhà phật, vô tướng là một cánh cửa giải thoát. Ba cánh cửa giải thoát là tam giải thoát môn. Cánh cửa giải thoát thứ nhất là không (một bài khác tôi sẽ trình bày), cánh cửa thứ hai là vô tướng, cánh cửa thứ ba là vô tác (cũng là bài khác). Ở đây chúng ta nói đến cánh cửa thứ hai là cánh cửa vô tướng.
Nếu chúng ta luyện tập, chúng ta có thể sử dụng con mắt vô tướng trong đời sống hằng ngày và có thể vượt thoát được mọi sợ hãi, kỳ thị và giận hờ