Vai trò dinh dưỡng trong điều trị bệnh đái tháo đường

 Vai trò dinh dưỡng trong điều trị bệnh đái tháo đường

Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường. Việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hạn chế các biến chứng và giúp người bệnh đái tháo đường ổn định chỉ số đường huyết ở mức an toàn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022 trên thế giới có 415 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó 90% là mắc bệnh đái tháo đường type 2. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5% người mắc bệnh đái tháo đường, con số này được dự báo tăng lên 6,1% vào năm 2040.

Số người trưởng thành tử vong toàn cầu liên quan đến bệnh đái tháo đường khoảng 5 triệu người (trong khi đó, số ca tử vong do HIV/AIDS chỉ có 1,1 triệu người, do lao 1,4 triệu người, sốt rét là 438 nghìn người). Hiện nay mối lo ngại lớn nhất là một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường có độ tuổi từ 20-40 tuổi mà không biết mình bị bệnh. Gánh nặng bệnh tật do đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng nhanh đến năm 2040, theo đó cứ 7 người trưởng thành thì có 1 người mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay cứ 10 người mắc bệnh đái tháo đường thì có 5 người không biết mình bị bệnh, chiếm khoảng 1,8 triệu dân và có 1/10 người mắc đái tháo đường không đạt được mục tiêu điều trị. Bởi đái tháo đường là bệnh mạn tính không điều trị khỏi (trừ trường hợp đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường do dùng thuốc…); điều trị đái tháo đường là điều trị suốt đời và người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế thì mới đạt được mục tiêu theo yêu cầu. Đặc biệt, trong điều trị bệnh đái tháo đường, chế độ ăn uống là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu tiên và duy trì suốt đời. Ăn uống hợp lý sẽ giảm được liều thuốc cần sử dụng.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh đái tháo đường.

 

Bác sĩ CKI Cao Hữu Vinh, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường là hạn chế chất bột đường để tránh tăng đường huyết sau khi ăn và hạn chế vừa phải chất béo, nhất là các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa; phân bố bữa ăn hợp lý, điều độ về thời gian và ổn định lượng đường bột trong các bữa chính và phụ. Nên chia bữa ăn đều đặn gồm 3 bữa chính hoặc ngoài 3 bữa chính có thêm 1 – 2 bữa phụ (bữa phụ nên chọn các loại rau quả…). Năng lượng các bữa có thể được phân bố như sau: sáng 20-25% tổng năng lượng, trưa 30-35%, chiều 25-30%, bữa phụ 10%. Giờ giấc ăn phải ổn định, phù hợp với thời gian dùng thuốc. Nếu đang dùng insulin, nên có bữa phụ trước khi đi ngủ để tránh cơn hạ đường huyết ban đêm.

Thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường như: Dầu đậu nành, vừng, hạnh nhân, dầu cá, mỡ cá, olive… Hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều cholesterol và chất béo như: Trứng, nội tạng động vật, các loại thịt bò, thịt chó… Người bệnh nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như hấp, luộc, salad. Nên ăn các loại rau xanh như: Cải bó xôi, cải xoăn, các loại rau, măng tây …

Áp dụng tốt chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường đủ chất đạm, chất béo, bột, vitamin và các chất khoáng, bổ sung đủ nước, duy trì được các hoạt động thể lực bình thường hằng ngày là yếu tố quan trọng để người bệnh kiểm soát được đường huyết, không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid, tăng huyết áp, tổn thương thận…

Trần Tuấn

Related post