Cần sớm giải quyết dứt điểm những “lùm xùm” ở Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột

 Cần sớm giải quyết dứt điểm những “lùm xùm” ở Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột

Sau hơn bốn năm đi vào hoạt động, Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dần trở thành điểm nhấn văn hoá, là địa điểm yêu thích của du khách và giới trẻ, nhất là các em lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, “hình ảnh đẹp” của Đường sách Buôn Ma Thuột đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những “lùm xùm” không đáng có giữa đơn vị quản lý, vận hành Đường sách và đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh trong khu vực Đường sách. Trong khi đó, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk lại lúng túng trong việc xử lý.

Đề án Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt ngày 17.12.2018 tại Quyết định số 3400/QĐ-UBND. Đề án được khởi công xây dựng từ tháng 12.2018 và chính thức đi vào hoạt động ngày 9.3.2019, đúng dịp tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7. Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột là doanh nghiệp được giao quản lý, điều hành hoạt động ở Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Đề án Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột nhằm tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo và đậm chất văn hoá ngay tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột – Thủ phủ cà phê Việt Nam. Góp phần quảng bá văn hoá đọc, văn hoá cà phê và văn hoá truyền thống của các dân tộc bản địa, từ đó nâng cao niềm tự hào, tình yêu quê hương, xứ sở.

Trao đổi với phóng viên Văn Hoá, bà Trần Đoàn Thuỳ Linh, Giám đốc công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Công ty Đường sách) cho biết, sau hơn bốn năm đi vào hoạt động, Đường sách đã dần trở thành điểm nhấn văn hoá không thể thiếu ở TP Buôn Ma Thuột bởi những giá trị to lớn mà Đường sách mang lại cho người dân, du khách và các em học sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hình ảnh của Đường sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mới đây, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông trại EDE (công ty Ede) “giăng” bảng hiệu cầu cứu với nội dung “Doanh nghiệp xã hội hoá cầu cứu UBND tỉnh Đắk Lắk ngăn chặn Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột xâm phạm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp chúng tôi”.

Bà Linh cho haysở dĩ công ty EDE “giăng” bảng hiệu trên vì ngày 5.5.2023, đơn vị quản lý đường sách Buôn Ma Thuột đã có thông báo số 17 gửi Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông trại EDE (Công ty EDE) về việc ngừng cung cấp dịch vụ thu hộ của Đường sách đối với dịch vụ sử dụng điện tại cửa hàng của Công ty EDE. Đồng thời yêu cầu di dời toàn bộ tài sản, hàng hoá và trả lại mặt bằng cho Công ty TNHH Đường sách Buôn Ma Thuột.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, năm 2019 đơn vị có hợp đồng cho Công ty EDE thuê gian hành tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột để kinh doanh, đến tháng 12.2021 hợp đồng cho thuê hết hạn. Do thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của Đường sách, Công ty Đường sách đã nhiều lần giảm số tiền cho thuê mặt bằng đối với các gian hàng đang kinh doanh trong khu vực với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Riêng đối với gian hàng của Công ty EDE, tính đến thời điểm tháng 5.2023, hợp đồng cho thuê mặt bằng giữa Công ty Đường sách và Công ty EDE đã hết hạn 16 tháng, và Công ty Đường sách Buôn Ma Thuột đã nhiều lần làm văn bản yêu cầu Công ty EDE thanh toán “nợ” tiền thuê mặt bằng và yêu cầu ký kết hợp đồng mới nhưng Công ty EDE không hợp tác.

“Ngày 13.9.2022, Công ty Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột đã có văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng, tuy nhiên Công ty EDE không chấp hành và bản thân ông Hoàng Danh Hữu (Giám đốc Công ty EDE) liên tục có những bài đăng trên mạng xã hội gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của Đường sách. Để giải quyết việc này, ngày 17.3.2022, Sở VHTTDL và các Sở, ngành liên quan đã họp lấy ý kiến hoạt động của Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột và giải quyết sự việc giữa Công ty Đường sách và Công ty EDE. Tại cuộc họp này, đơn vị chúng tôi nêu quan điểm không tiếp tục tái ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với Công ty EDE, bởi đơn vị này không chấp hành quy định cũng như liên tục làm ảnh hưởng đến hoạt động tích cực mà Đường sách mang lại”, bà Linh cho hay.

Kể từ sau cuộc họp đó, vấn đề mấu chốt giữa đơn vị quản lý, điều hành hoạt động Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột và đơn vị thuê mặt bằng là công ty EDE không được giải quyết dứt điểm.

Sau những “lùm xùm” không đáng có, số lượng người dân và du khách tìm đến Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột giảm mạnh

Mới đây nhất, ngày 13.5.2023, ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk Thái Hồng đã ký văn bản số1024 về việc giải quyết nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông trại EDE, trong đó nhấn mạnh, yêu cầu: “Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột khẩn trương đấu nối điện tại gian hàng của Công ty EDE trong ngày 13.5; hai bên tiến hành thương thảo hợp đồng để thống nhất việc ký kết lại hợp đồng thuê gian hàng tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột trên tình thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo về quyền lợi và trách nhiệm của các bên không để xảy ra trường hợp tranh chấp làm ảnh hưởng hình ảnh đẹp của Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột đã tạo được trong thời gian qua…”.

Theo bà Trần Đoàn Thuỳ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, đơn vị đã có báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk về việc này và không đồng tình với văn bản số 1024 của Sở VHTTDL. “Công ty Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột là đơn vị đầu tư, vận hành Đường sách, chúng tôi là đơn vị độc lập, vì sao Sở VHTTDL lại can thiệp về mặt hợp đồng cho thuê và yêu cầu chúng tôi phải tái ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với Công ty EDE. Việc kinh doanh cho thuê mặt bằng của Công ty Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột là hoạt động kinh doanh thuộc quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá trên địa bàn tỉnh. Việc tái ký hợp đồng hoặc không ký hợp đồng do Công ty Đường sách cà phê chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình. Việc Công ty Đường sách từ chối tái ký hợp đồng với Công ty EDE bởi giữa 2 doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung, không có sự tôn trọng và hài hoà để phát triển vì mục đích chung xây dựng Đường sách”, bà Linh khẳng định.

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, phóng viên Văn Hoá đã liên hệ trực tiếp ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty EDE nhưng ông Hữu từ chối cung cấp thông tin vì “Sở VHTTDL không cho phát ngôn với báo chí”. Trong khi đó, trả lời qua điện thoại với phóng viên Văn Hoá, ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk cũng từ chối cung cấp thông tin với lý do: “Sự việc đang trong quá trình tham mưu xử lý nên không thể cung cấp thông tin cho báo chí”.

Có thể thấy, những lùm xùm phát sinh giữa Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột và Công ty EDE là câu chuyện “quá thời hạn cho thuê mặt bằng (16 tháng – P.V) và đơn vị quản lý, vận hành Đường sách không muốn tiếp tục tái ký hợp đồng với một doanh nghiệp “bất trị”. Tuy nhiên, Sở VHTTDL Đắk Lắk lại ra văn bản yêu cầu Công ty Đường sách phải tiếp tục ký hợp đồng cho thuê mặt bằng mới, dẫn đến sự việc không được giải quyết dứt điểm.

Trong khi các bên liên quan đang lúng túng thì hoạt động kinh doanh của các gian hàng khác trong khu vực Đường sách đang từng ngày, từng giờ bị ảnh hưởng bởi người dân và du khách “ngại” đến Đường sách. Chị Hoàng Thị Mỹ Trang, quản lý Nhà sách Ánh sáng kiến nghị: “Từ khi có con Đường sách Buôn Ma Thuột thì có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, đó là có địa điểm không chỉ riêng mình mà các gian hàng khác nữa buôn bán phát triển kinh tế gia đình, doanh nghiệp. Thứ 2, có không gian, địa điểm để các cháu vui chơi, giải trí, chơi các trò chơi dân gian, đọc sách. Thứ 3 nữa, là khách du lịch họ cũng thích thú địa điểm này. Tuy nhiên, gần đây phát sinh câu chuyện không mong muốn, mặc dù không liên quan tới mình nhưng ảnh hưởng tới hoạt động buôn bán của rất nhiều người”.

Doanh thu của quán Ama Coffee giảm mạnh vì không có khách

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ gian hàng Ama Coffee ở Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột cho hay: “Ngày bình thường doanh thu của quán khoảng 2 triệu đồng, tuy nhiên từ khi có gian hàng giăng băng rôn tới nay, doanh thu cao nhất của quán em chỉ 400 ngàn đồng. Người dân và du khách họ “ngại” đến đây vì những lùm xùm như vậy. Thật sự, bản thân mình và một số gian hàng ở đây rất không hài lòng với cách làm của công ty EDE. Và, bản thân mình cũng không muốn tiếp tục đồng hành cùng bạn ấy ở Đường sách nữa”.

Chị Huyền Anh, quản lý quán Anh coffee bày tỏ: “Nếu mình đặt mình ở địa vị khách hàng thì mình sẽ không vô đây vì những hình ảnh bẳng rôn đó, chưa kể rất nhiều thông tin một chiều trên mạng xã hội nữa thì nó ảnh hưởng rất là nhiều. Ban ngày không có khách đã đành, thậm chí buổi tối cũng không có khách, mình phải đi về sớm. Rất mong cơ quan chức năng, BQL Đường sách và đơn vị kia sớm có giải pháp hợp lý để cùng chung tay phát triển Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột”.

Theo: Báo Văn Hóa

CTV

Related post