Chăm sóc mắt đúng cách để ngừa lão hóa mắt
Mắt là một cơ quan hết sức quan trọng của cơ thể. Theo tuổi tác, suy giảm thị lực sẽ diễn ra với mắt như quá trình lão hóa của các cơ quan khác.
Tuy nhiên, phải làm việc liên tục, cách làm việc học tập không khoa học, sử dụng các thiết bị điện tử trong bóng tối, môi trường ô nhiễm, hóa chất… khiến sự lão hóa của mắt có thể đến nhanh hơn. Nếu không có cách bảo vệ mắt tốt, mắt sẽ bị lão hóa sớm và gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt hằng ngày.
Chủ quan không đi khám sớm khi mắt có các dấu hiệu như nhìn mờ, mỏi, khô…, đến khi tình trạng trở nên nặng, anh Trần Thái Hòa (trú huyện Krông Ana) mới đi khám thì mắt trái của anh đã ở giai đoạn nặng, mất luôn thị lực. Ròng rã 2 năm liền anh phải đi từ Đắk Lắk ra Hà Nội, vào TP. Hồ Chí Minh để mong chữa trị cho mắt nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan. Anh Hòa chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ mắt thỉnh thoảng nhức mỏi, khô mắt hoặc đau mắt là chuyện bình thường, bản thân tôi cũng đã từng nghĩ như vậy nên không đi khám. Đến khi bệnh nặng, mắt gần như không nhìn thấy được mới đi khám thì đã quá trễ. Quá trình chữa trị khiến tôi không chỉ tốn kém về vật chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày rất nhiều”.
Cũng đến khám tại bệnh viện vì mắt có biểu hiện bất thường, ông Phạm Ngọc Cương (trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết những ngày gần đây mắt ông có biểu hiện nhìn mờ, nhìn xung quanh thấy màu vàng vàng, nhòe và lóa. Đến độ tuổi gần 60, hầu như mắt bắt đầu lão hóa nhìn không rõ nên ông Cương rất ý thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt. Ông luôn thăm khám mắt thường xuyên, nhất là khi có các biểu hiện bất thường.
Theo bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Trưởng Khoa Khám – Cấp cứu – Cận lâm sàng (Bệnh viện Mắt tỉnh), theo thời gian, sự lão hóa mắt sẽ diễn ra cùng với sự lão hóa tự nhiên của cơ thể, thể hiện rõ nhất ở việc thị lực suy giảm dần, khả năng nhìn bị hạn chế. Ðiều đáng lo ngại là tình trạng lão hóa mắt sớm đang ngày càng phổ biến, nhiều người trẻ mắc các bệnh mắt nguy hiểm như bệnh đục thủy tinh thể, thoái hóa giác mạc, võng mạc…
Cũng theo bác sĩ Linh, hiện nay có nhiều thói quen trong lao động, sinh hoạt của người dân gây ảnh hưởng tới mắt, làm gia tăng các bệnh về mắt. Đối với học sinh, học tập trong điều kiện thiếu ánh sáng, tư thế ngồi gần quá khiến mắt phải điều tiết nhiều. Ngoài ra, việc nhìn quá nhiều các thiết bị điện tử, xem điện thoại, máy tính vào ban đêm trong điều kiện ánh sáng không đủ, khiến mắt phải làm việc nhiều, mệt mỏi và thiếu nhiều dưỡng chất. Mắt ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các tác nhân gây hại như khói bụi, ánh sáng mặt trời, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử… là những nguyên nhân khiến đôi mắt bị quá tải, mỏi, nhức và lâu dài sẽ dẫn đến suy giảm thị lực. Hoặc các thói quen, lối sống không tốt làm cho các bệnh mạn tính ở Việt Nam gia tăng như tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường… cũng khiến mắt bị ảnh hưởng.
Lão hóa mắt là điều không thể tránh khỏi nhưng để làm chậm quá trình này, bên cạnh việc hạn chế những thói quen ảnh hưởng không tốt tới đôi mắt, cần có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để làm đôi mắt khỏe mạnh. Mọi người nên tập thói quen khám lão hóa mắt khi bắt đầu bước vào tuổi 40, khám mắt thường xuyên hơn từ 3-6 tháng một lần vì tuổi này cơ thể bắt đầu quá trình lão hóa tự nhiên. Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quen sinh hoạt để bảo vệ mắt. Mắt cần được nghỉ ngơi, không thức khuya, không sử dụng điện thoại trong bóng tối khi đã lên giường, nên ngủ đủ giấc 7 – 8 giờ/ngày, đây là một trong những cách chăm sóc mắt đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm. Đối với người làm các nghề nghiệp tiếp xúc với khói bụi, cường độ ánh sáng mạnh như hàn, cơ khí…, cần có kính mắt bảo hộ chuyên dụng khi làm việc. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia và nên từ bỏ thuốc lá.