‘Ranh giới’ – phim xúc động về cuộc chiến chống Covid-19

 ‘Ranh giới’ – phim xúc động về cuộc chiến chống Covid-19

Hình ảnh trong phim “Ranh giới”. Ảnh: VTV

“Ranh giới” – tác phẩm tài liệu xoay quanh cuộc chiến chống Covid-19 ở Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), đoạt Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam.

Ngoài giải thưởng lớn nhất, phim chiến thắng hạng mục “Đạo diễn xuất sắc” dành cho Tạ Quỳnh Tư. Anh nói: “Tôi hạnh phúc vì tình cảm khán giả dành cho bộ phim, Bông Sen Vàng khiến cho phần thưởng ấy trở nên trọn vẹn”. Anh gửi tiền thưởng đến quỹ của của Bệnh viện Hùng Vương với mong muốn hỗ trợ các nạn nhân của đại dịch.

Theo nghệ sĩ Lê Hồng Chương – trưởng ban giám khảo hạng mục “Phim tài liệu”, nhà làm phim đã thấu cảm ranh giới giữa sự sống và cái chết, cảm nhận và đưa lên màn ảnh một cách chân thực, chạm đến trái tim người xem.

Để tác phẩm ra đời, Tạ Quỳnh Tư cùng êkíp có 21 ngày ăn, ngủ tại bệnh viện để mang đến những hình ảnh chân thực, mục đích tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về Covid-19, đồng thời vinh danh lực lượng tuyến đầu ngày đêm chống dịch. Anh làm phim với tâm thế lo sợ nhưng háo hức vì đang ghi lại những ngày lịch sử, cả êkíp đều hướng đến mục tiêu “tôn trọng sự thật”.

Trong 50 phút, tiết tấu phim diễn ra nhanh, gấp gáp, tái hiện sự khốc liệt trong cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ. Họ hiện lên tận tụy, mềm mỏng nhưng không kém phần cứng rắn. Với các tình huống cấp bách, họ quyết đoán, nhanh chóng đưa ra phương án cứu chữa kịp thời, trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị y tế. Những “thiên thần áo trắng” cũng có phút yếu lòng, rơi nước mắt, bất lực khi nhìn sự sống của bệnh nhân tuột khỏi tầm tay. Trong chương trình Cafe sáng, đạo diễn cho biết sau khi phim kết thúc, hình ảnh những thai phụ F0 giữa lằn ranh sinh tử, những tâm nguyện, ước mong của họ… vẫn ám ảnh anh.

Khi phát sóng lần đầu hồi tháng 9, tác phẩm tạo ra cơn “sốt” trên mạng xã hội, nhận nhiều lời khen tích cực. Đạo diễn Khải Hưng nói một số khoảnh khắc, ông không dám nhìn thẳng màn hình, chua xót vì những chi tiết chân thực trong phim. Ca sĩ Thanh Lam nói: “Nhiều gia đình đã ly tán, cha mẹ qua đời để lại những đứa con mồ côi, không nơi nương tựa. Những bậc cha, mẹ tóc đã bạc khóc con qua đời. Tất cả những hình ảnh đó khiến tôi cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn. Mỗi sáng thức dậy, chỉ cần được thở và ở bên những người mình yêu đã là hạnh phúc rồi”. Ca sĩ Minh Quân cho biết anh xem đi xem lại phim để hiểu rõ sự nguy hiểm của Covid-19, đồng thời trân trọng những nỗ lực của các y bác sĩ.

Tuy nhiên, tác phẩm cũng gây tranh cãi vì việc công khai thông tin, không làm mờ hình ảnh bệnh nhân, khắc họa trần trụi những đau thương của họ. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư lý giải với những nhân vật đủ ý thức nói chuyện cùng nhân viên y tế, anh đều trò chuyện và nhận được sự đồng ý, cho phép của họ. Với những bệnh nhân trở nặng, không còn ý thức, anh chọn góc quay khuất, không rõ mặt.

Đạo diễn cho biết những ngày làm phim ở Bệnh viện Hùng Vương, êkíp đối mặt nguy cơ trở thành F0, khiến tiến độ quay bị ảnh hưởng. Tạ Quỳnh Tư tiếc nuối vì thời lượng phim ngắn, chỉ có thể truyền tải một phần cuộc chiến cam go với Covid-19.

Vượt lên tất cả bi luỵ, đau thương, thông điệp sau cùng mà êkíp muốn truyền tải là tình yêu cuộc sống, sự sẻ chia giữa người với người. Đạo diễn kết phim bằng hình ảnh một nhân viên y tế đẩy chiếc bình thở oxy, nhắc nhở khán giả bằng câu nói của nhà văn Nguyễn Khải trong Mùa lạc: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

Hà Thu (Vnexpress) – Link gốc

HongLien

Related post