Đắk Lắk: Giá cau tươi cao tới nóc, “cả làng” đua nhau trồng

 Đắk Lắk: Giá cau tươi cao tới nóc, “cả làng” đua nhau trồng

Giá cau tươi hôm nay đột nhiên tăng mạnh gây “sốt sình sịch”. Trong nhiều tháng vừa qua, giá cau tươi tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung liên tục tăng. Nguyên nhân do sức mua mạnh của thương lái Trung Quốc. Thậm chí, giá bán cau tươi nhiều khu vực Tây Nguyên đẩy lên 60.000 VND – 80.000 VND/kg. Kéo theo đó là tình trạng trồng cau ồ ạt của người dân trên địa bàn.

Chuyện thật như đùa: Giá cau tươi “hot” không thua cà phê

Cây cau vốn được nhiều người trồng chủ yếu để làm cảnh, tạo bóng mát. Còn quả cau gần như chỉ bán được giá vào dịp lễ tết. Nhưng thời gian gần đây, giá thu mua cau tươi bỗng tăng vọt. Nhiều người tưởng trồng chơi mà lại hốt tiền triệu vì cau.

Điển hình như trường hợp ông Hồ Minh Hường (thôn 18, xã Ea Ktur, Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Trước nhà ông đang trồng 15 cây cau 8 năm tuổi. Mục đích ban đầu chỉ để làm đẹp cho cảnh quan căn nhà.

Theo ông, giá cau tươi trước đây rất thấp. Lâu lâu ông bán được vài buồng, được đồng nào hay đồng đó. Thế nhưng, năm 2021 đánh dấu một cuộc “chuyển mình” cho những buồng cau trước nhà. Gia đình ông Hường bỗng có một khoản thu nhập khủng từ loại cây trước giờ chưa từng để vào mắt.

Ông Hường hồ hởi chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, 15 cây cau nhà tôi cho khoảng hơn 6 tạ trái, chỉ tính giá cau trung bình 60.000 đồng/kg gia đình tôi thu về gần 40 triệu đồng. Trước giờ những cây cau này gia đình không chăm sóc, chủ yếu để làm cảnh quan, nhưng nay cau tươi lên giá lợi nhuận quá bất ngờ”.

Vì cau quá được giá, ông Hường đã bắt đầu chuyển sang nghề… trồng cau. Ông đầu tư mua thêm 50 cây cau giống trồng rồi trồng ở bờ rào quanh vườn. Theo ông thì thời gian để cây cau có thể cho ra trái là 4 năm. Sau đó, cây cau sẽ cho trái ổn định từ 5 – 6 đợt/ năm.

“Nếu mức giá cau giữ được hiện nay thì trung bình mỗi năm 1 cây cau sẽ cho thu nhập nhập từ 4-5 triệu đồng, lợi nhuận nhiều hơn các cây trồng khác, mà không phải tốn chi phí chăm sóc, cũng chẳng phải phun xịt thuốc hại người…”, ông Hường tính.

trồng cau

Không chỉ riêng ông Hường, nhiều nông dân tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk đã bắt đầu mở rộng diện tích trồng cau cho vườn nhà mình. Đi dọc trên tuyến đường liên xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) – Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều khu vườn với hàng trăm cây cau. Thậm chí, nhiều người còn trồng xen canh giữa cây cà phê, tiêu.

Người dân ồ ạt trồng cau khiến cau giống tại các vựa đều cháy hàng. Ông Nguyễn Văn Nam, chủ một vựa cây giống lớn tại Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết: “Từ đầu năm đến nay tôi nhập về hàng ngàn cây cau giống nhưng cây vừa về là có người tới mua hết. Hiện nay nhiều người cũng đặt hàng nhưng tôi chưa tìm được nguồn cây để nhập về bán cho nông dân”.

Lắp thêm camera canh trộm vì giá cau tươi Đắk Lắk tăng gấp đôi

Cũng vì cau bán được giá nên tình trạng mất trộm diễn ra thường xuyên. Để ngăn những kẻ trộm liều lĩnh, nhiều gia đình phải lắp camera quan sát 24/7. Họ còn quấn thêm dây thép gai lên cây, nhưng cau vẫn mất trộm.

“Những năm trước, giá cau thương lái thu mua không quá 40 nghìn đồng/kg. Năm nay cau đột ngột tăng giá mạnh, có thời điểm trên 95 nghìn đồng/kg, người trồng cau rất vui mừng. Thế nhưng, chưa bán được bao nhiêu thì chúng tôi đã phải làm đủ mọi cách chống trộm”, anh Nguyễn Đình Long (thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) chia sẻ.

Như trường hợp cuối tháng 10 vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột, hai đối tượng Nguyễn Văn Thịnh (22 tuổi) và Phạm Tuyên (23 tuổi, cùng trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) đã ăn cắp 2 buồng cau của gia đình ông Vũ Ngọc Thạnh (64 tuổi, trú tại phường Ea Tam). Hai đối tượng này đã bị công an phường Ea Tam bắt giữ ngay sau đó.

giá cau tươi
Giá cau tươi tăng 60,000 – 80,000 đồng/ kg khiến nhiều người phải lắp camera chống trộm

Cơ quan chức năng cảnh báo về mối nguy hại của việc trồng cau ồ ạt

Chia sẻ về tình trạng giá cau tươi tăng đột biến, ông Nguyễn Thanh Minh – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho hay, huyện Cư Kuin đang là đầu mối thu gom cau lớn nhất.

Các thương lái thu mua cau chủ yếu để bán sang thị trường Trung Quốc, làm nguyên liệu sản xuất kẹo cau. Nhiều khu vực của huyện cũng trồng cau nhưng chủ yếu chỉ trồng ở bờ rào hoặc xen kẽ với cây cà phê, tiêu.

Quả cau hiện nay được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Do đó, thị trường vẫn còn gặp nhiều rủi ro, chưa ổn định. Ngành nông nghiệp của huyện Cư Kuin khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng cau nhiều hay thay thế cây trồng cũ.

Mặt khác, rễ cây cau phát triển nhiều nên dễ làm xấu đất. ThS. Lê Thị Hạnh Phúc, Khoa Nông – Lâm (Trường Cao Đẳng Công nghệ Tây Nguyên) đánh giá, cây cau thích thích hợp trồng ở khu vực đất đá, cằn cỗi, không trồng được nhiều giống cây khác. Còn với khu vực đất đai màu mỡ, trồng nhiều cây cau sẽ chỉ đem giá trị tức thời. Trong khi rủi ro về lâu dài sẽ tăng cao.

Winter – Nhóm truyền thông Tây Nguyên

HongLien

Related post