Top 7 văn mẫu phân tích bài thơ Sóng hay nhất
Tổng hợp 7 mẫu phân tích bài thơ “Sóng” cực hay, mới và chi tiết để bạn tham khảo. Bên cạnh đó là dàn ý phân tích chi tiết bài Sóng của nữ sĩ.
Từ bao đời nay, tình yêu luôn là đề tài được nhắc đến nhiều trong thơ ca, nhạc họa. Bài thơ Sóng của nữ sĩ Xuân Quỳnh được biết đến như là một tác phẩm cực kỳ thành công khi khắc họa một cách sâu sắc, cho người đọc góc nhìn mới về chủ đề này. Phân tích Sóng Xuân Quỳnh chi tiết, chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu đầy mãnh liệt, những cảm xúc tinh tế của người con gái trong tình yêu.
Được viết vào năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968, bài thơ Sóng là một tác phẩm nổi tiếng thường xuất hiện nhiều trong các đề thi của sĩ tử lớp 12. Dưới đây là những bài phân tích bài thơ Sóng hay nhất đã qua chọn lọc dành cho bạn.
Dàn ý Phân tích bài thơ Sóng của nữ sĩ Xuân Quỳnh
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả: Xuân Quỳnh là một nữ sĩ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Bằng hồn thơ nhạy cảm đầy nữ tính, mỗi câu thơ của thi sĩ đong đầy tình thương cùng lòng trắc ẩn.
– Giới thiệu tác phẩm: Sóng được sáng tác năm 1967, nằm trong tập Hoa dọc chiến hào. Nội dung bài thơ diễn tả tâm hồn của người phụ nữ đang yêu với những rung động, trăn trở, băn khoăn đầy khao khát.
II. Thân bài
1. Sóng và em – thủ pháp nghệ thuật về tình yêu xuyên suốt bài thơ
- Bài thơ sử dụng thủ pháp đối lập tương phản qua các cặp từ: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ.
- Mượn các trạng thái khác nhau của sóng để bộc lộ những cung bậc cảm xúc, tâm lý đầy phức tạp của người phụ nữ khi yêu (khi thì mạnh mẽ cuồn cuộn, lúc lại lặng lẽ dịu dàng)
- Bằng hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa “Sông không hiểu nổi mình” thể hiện bản tính của sóng. Vì vậy “sóng” quyết định tìm ra biển lớn, thoát khỏi những thứ chật chội, nhỏ hẹp, tầm thường.
- Phép so sánh, liên tưởng “Ôi con sóng ngày xưa .. và ngày sau vẫn thế”: Lời khẳng định khát vọng tình yêu cháy bỏng, mãnh liệt luôn luôn thường trực trong trái tim tuổi trẻ.
- “Nỗi khát vọng tình yêu… ngực trẻ”: Liên hệ tình yêu của tuổi trẻ với con sóng của đại dương, khát vọng tình yêu là khát vọng đặc trưng muôn đời của tuổi trẻ.
2. Những trăn trở về quy luật của tình yêu
Sử dụng liên hoàn các câu hỏi tu từ như “Từ nơi nào sóng lên?”, “Gió bắt đầu từ đâu?”: qua đó thể hiện khát khao tìm ra cội nguồn của tình yêu muôn đời, hiểu được bản thân và người mình yêu.
Câu trả lời “Em cũng không biết nữa” như một lời thú nhận đầy hồn nhiên của người phụ nữ đang yêu. Bởi tình yêu là điều bí ẩn, khó mà lý giải được.
3. Nỗi nhớ và lòng thủy chung của người con gái đang yêu
a. Tình cảm chủ đạo thường trực trong trái tim người con gái khi yêu là nỗi nhớ da diết.
- Nghệ thuật tương phản tiếp tục xuất hiện thông qua các không gian khác nhau “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”. Qua các phạm vi thời gian “ngày – đêm”. Kết hợp với nghệ thuật nhân hóa “ngày đêm không ngủ được”. Qua đó thể hiện nỗi nhớ dạt dào bao trùm cả không gian, thời gian.
- Trước nỗi nhớ khôn nguôi, người phụ nữ đã mạnh dạn, chân thành mà bày tỏ một cách trực tiếp “Lòng em nhớ đến anh”. Nỗi niềm ấy tồn tại trong ý thức và đi vào cả tiềm thức “Cả trong mơ còn thức”
=> Cách nói tưởng chừng cường điệu, nhưng khắc họa rõ nét nỗi nhớ mãnh liệt của tác giả.
b. Lòng thủy chung sắc son của người con gái trong tình yêu
- Nghệ thuật tương phản “xuôi – ngược”, điệp ngữ “dẫu”, “vẫn”, “về” gợi hành trình của sóng ngoài biển lớn cũng như hành trình tình yêu của người phụ nữ giữa cuộc đời.
- Lời thề thủy chung của người phụ nữ, niềm tin chờ đợi trong tình yêu, dù ở đâu cũng “hướng về anh một phương”, nghĩ về người mình yêu bằng cả trái tim.
4. Khát vọng tình yêu bất diệt
- Khẳng định quy luật vĩnh cửu của thiên nhiên “Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở”, cũng giống như “em”, dù khó khăn, thử thách vẫn luôn hướng đến “anh”.
- “Cuộc đời tuy dài thế/Năm tháng vẫn đi qua”: hai câu thơ bật lên cảm giác cô đơn, nhỏ bé trước cuộc đời. Cùng với đó là nỗi lo về sự hữu hạn của tình yêu trước dòng chảy của thời gian.
- “Như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa”: Cảm giác bất an trước cái dễ đổi thay của lòng người giữa “muôn vời cách trở”. Nhưng đây còn là vượt lên sự lo âu phấp phỏng đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu như mây có thể vượt qua biển rộng.
- “Làm sao” gợi sự băn khoăn, khắc khoải, ước ao được hóa thành “trăm con sóng nhỏ” để muôn đời vỗ mãi vào bờ.
- Khát khao của người phụ nữ được hòa mình vào cuộc đời, được sống trong “biển lớn tình yêu” với một tình yêu trường cửu, bất diệt với thời gian.
III. Kết bài
Cảm nhận của bản thân về bài thơ Sóng.
Tóm tắt lại giá trị nghệ thuật: cách xây dựng hình tượng “sóng” thông qua ngôn từ, hình ảnh bình dị, trong sáng,…
Nội dung: Bằng hình tượng con sóng diễn tả tình yêu thiết tha của người phụ nữ. Cách nhìn của nữ sĩ Xuân Quỳnh thể hiện quan niệm mới mẻ, hiện đại về tình yêu, vừa chủ động lại không mất đi nét đẹp truyền thống của người con gái Việt.
>> Xem thêm: 5 Cách Ôn Thi Hiệu Quả 100%
Bài phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh – Số 1
“Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968 của nữ nhà thơ nổi tiếng Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về tâm trạng tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, âm điệu của một cõi lòng bị khuấy động, đang rung lên đồng điều với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khao khát đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.
Đầu đề bài thơ là “sóng” và cả bài thơ được dệt bằng hình tượng trung tâm ấy. Cùng với hình tượng sóng còn có một hình tượng nữa là em – cái tôi trữ tình của nhà thơ. Sóng là hình ảnh ẩn dụ nói về tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình. Sóng và em tuy hai mà là một, có lúc phân đôi để soi chiếu vào nhau làm nổi bật sự tương đồng, có lúc lại hòa nhập vào nhau tạo nên sự âm vang. Hai hình tượng này đan cài, quấn quýt với nhau như hình với bóng song song tồn tại từ đầu đến cuối bài thơ, bổ sung cho nhau nhằm diễn tả một cách mãnh liệt, sâu sắc và thấm thía hơn khát vọng tình yêu đang cuồn cuộn dâng trào trong trái tim người con gái. Mở đầu bài thơ là trạng thái tâm lý đặc biệt của một tâm hồn khát khao được yêu:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Bắt đầu là hình ảnh sóng nước. Nghĩa tường minh là vậy, không kể ở sông hay ở bể, lúc sóng cồn lên thì dữ dội ồn ào, có thể làm lật thuyền, đắm tàu. Nhưng lúc trời yên gió lặng thì sóng lại dịu êm, lặng lẽ. Sóng luôn luôn biến đổi muôn hình muôn vẻ và hiện tượng đó cứ thường xuyên lặp đi lặp lại. Tâm hồn của người con gái đang yêu cũng giống như sự tương phản giữa các hình thức của sóng. Đa dạng ở bên ngoài và khó hiểu ở bản chất bên trong. Ở cuối khổ thơ là sự bối rối, trăn trở của sóng muốn giãi bày lòng mình với bể.
Có thể thấy ngay trong khổ thơ đầu nét mới mẻ trong quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh. Người con gái đang khát khao tình yêu muốn hiểu tận cùng bản chất của tình yêu. Chủ ý của nhà thơ là mượn sóng làm biểu tượng cho tình yêu. Miêu tả sóng với những đặc điểm đối lập đến kỳ lạ cũng là để nói tới cái đa dạng, phức tạp kho giải thích của tình yêu. Như vậy, sóng nước đã chuyển sang sóng tình, đan quyện vào nhau, bổ sung ý nghĩa cho nhau.
Giống như sóng, tình yêu cũng là một hiện tượng, một khái niệm khó lý giải rõ ràng. Một nhà thơ cổ điển Pháp tưng nói: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi. Khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim nhà thơ, trong trái tim tuổi trẻ cũng là khát vọng muôn đời của nhân loại. Cũng như sóng, nó mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian. Từ ngàn xưa, con người đã đến với tình yêu và mãi mãi vẫn như vậy:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Tình yêu và khát vọng tình yêu cảu con người muôn đời không thay đổi. Tình yêu không bó hẹp trong phạm vị lứa tuổi nào nhưng khái niệm về tình yêu thường gắn liền với tuổi trẻ. Ở lứa tuổi mùa xuân của đời người, tình yêu phát triển mạnh mẽ nhất và mang đầy đủ ý nghĩa nhất. Tình yêu tràn đầy cơ thể thanh xuân, làm bồi hồi trái tim trong ngực trẻ, khiến trái tim lúc nào cũng thổn thức nhớ mong. Tự nhiên như hơi thở, cần thiết như cơm ăn áo mặc hàng ngày, ấy thế mà tình yêu là gì thì không ai giải thích nổi. Sức quyến rũ ghê gớm của nó có lẽ là ở đó chăng? Xuân Quỳnh phân vân tự hỏi rồi tự giải đáp:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”
Khi yêu, người ta thường có nhu cầu tự tìm hiểu nhưng tình yêu là một hiện tượng tâm lý khác đầy bí ẩn, không thể giải thích được. Tình yêu cũng giống như sóng biển, như gió trời, làm sao mà hiểu hết được. Nếu sóng tìm ra tận bể để tự hiểu mình thì em cũng tìm đến tình yêu anh để hiểu sâu hơn về con người đích thực của em. Trước không gian bao la của biển cả, làm sao em không trăn trở với những câu hỏi từ ngàn xưa vốn là những băn khoăn, triết lí mang tầm vũ trụ.
Bao câu hỏi cứ vương vấn trong tâm hồn em, làm em thao thức:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Giữa đại dương mênh mông ấy, nơi nào là nơi bắt đầu của sóng? Khó mà trả lời cho chính xác, song vẫn có thể nói rằng: “Sóng bắt đầu từ gió”. Có gió mới có sóng, tất nhiên là vậy. Thế gió bắt đầu từ đâu? Câu trả lời không dễ bởi nó đi vào phạm trù vô tận. Câu thơ “Em cũng không biết nữa” thể hiện sự hồn nhiên của người con gái, Tâm trạng của người con gái đang yêu ấy là điển hình chăng? Điều thiêng liêng, tuyệt diệu nhất trong tình yêu là sự đồng cảm, hòa hợp sâu xa giữa hai tâm hồn, hai nửa cuộc đời tự nguyện gắn bó với nhau để tạo thành một chính thể trọn vẹn, vĩnh viễn:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Yêu và nhớ là hai mặt của tình yêu. Yêu say đắm thì nhớ thiết tha. Nhà thơ vẫn mượn chuyện sóng để nói chuyện, chỉ có sóng đại dương mệnh mông mới có thể so sánh được với khát vọng tình yêu của em. Sóng trên mặt nước dù có lớn cũng còn có thể lựa chiều mà vượt. Nhưng trên mặt nước hay dưới lòng sâu, con sóng đều có bờ. Bờ là nơi đến của sóng, sóng có đối tượng để ve vuốt vỗ về, có cái đích để đi đâu về đâu cũng nhớ, lúc nào cũng không quên, ngày cũng như đêm. Thức mà nhớ không nói làm gì, trong mơ là nỗi nhớ không chịu yên. Ôi! Tình yêu là vậy! Em yêu anh, em là vậy. Nỗi nhớ hiển nhiên trong mọi không gian và thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà có khả năng len lỏi vào tiềm thức, xâm nhập vào trong cả giấc mơ. Tình yêu của người con gái ở đây vừa chân thành, tha thiết vừa trong sáng, thủy chung.
Ở những đoạn trên, nhân vật trữ tình nhờ sóng để che giấu tâm trạng nhưng đến đây thì đã bỏ luôn cái vỏ nhân hóa vay mượn ấy để trái tim tự thốt lên:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Nỗi nhớ trong tình yêu còn được gắn liền với khái niệm thời gian vô tận và không gian vô biên. Với thời gian, nó không có ngày đêm. Với không gian, nó chẳng có nhiều phương hướng. Tình yêu dù trong sáng, mãnh liệt tới đâu cũng vẫn gắn chặt với đời thường, mà đời thường lại nhiều dâu bể. Vì thế, những người yêu nhau ngoài sự say mê còn phải có đủ nghị lực và lý trí để vượt qua mọi thử thách của cuộc đời:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Hay nhìn những con sóng đại dương dù gió xô bão dạt đến phương nào đi nữa, cuối cùng sẽ trở về bờ. Gian nan, thử thách là điều không thể thiếu đối với tình yêu: Đẹp là thế, thiêng liêng là thế nhưng tình yêu cũng thật ngắn ngủi, mong mạnh:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Tuy không hiện lên thành chữ thành lời trong đoạn thơ, nhưng thấp thoáng đâu đó chút lo âu. Liệu tình yêu có thể vượt qua những quy luật tất yếu trong cuộc sống? Vậy nên ngay trong lúc tình yêu say đắm, nhà thơ vẫn không hoàn toàn thoát li hiện tại.
Mọi chuyện rồi sẽ qua đi: Cuộc đời, năm tháng và mây kia thì cứ bay mãi vào cõi xa xăm. Tình yêu cũng thế, vì tình yêu bao giờ cũng gắn với con người cụ thể, với cái hữu hạn của đời người. Muốn vượt ra ngoài giới hạn đó, chỉ có cách là hòa tan tình yêu vào thiên nhiên vĩnh cửu. Nỗi trăn trở lúc này thành sự bức bách, thôi thúc:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Tình yêu bùng lên thành khát vọng. Khát vọng sôi sục mà vẫn khiêm nhường, nữ tính. Tình yêu bây giờ không còn bé nhỏ mà hòa quyện vào sóng nước đại dương vĩnh hằng.
Đọc xong bài thơ “Sóng”, ta cảm thấy ngưỡng mộ hơn, những người con gái Việt Nam, những người luôn sống thủy chung, hết mình vì tình yêu, khát vọng hạnh phúc. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tinh yêu lứa đôi khi đã thổi một làn gió vào nền văn học thơ ca nước nhà.
– Phạm Minh Nhật –
Mẫu văn phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh – Số 2
“Ơn trời xanh xin trả cho vô tận
Trời không xanh đáy mắt em xanh
Và trong em không thể còn anh
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”
(Xuân Quỳnh)
Từ bao giờ điệu tình lại ngân vang trong lời thơ Xuân Quỳnh đến như thế. Có lẽ Xuân Quỳnh được sinh ra là để dành riêng cho thơ tình – mảng thơ đa cảm nhất trong dòng văn học hiện đại. Những người quen biết nữ sĩ còn gọi chị là cây bút tâm tình, bộc bạch mà hóa ra thơ. Vậy nên từ nhu cầu ca hát về trái tim của mình, chị vô tình trở thành một trong những nhà thơ viết về tình yêu phong phú nhất. Là một gương mặt của dòng thơ thời chống Mỹ, các tập thơ “Hoa dọc chiến hào”, “Gió Lào cát trắng”, “Sân ga chiều em đi”… đã gắn liền với tên tuổi của Xuân Quỳnh.
Trong số đó, “Sóng” là bài thơ thành công và nổi bật nhất của chị. Hình tượng “sóng” và “em” đan xen làm bật lên vẻ hiện đại trong thơ Xuân Quỳnh – một người con gái thế kỷ XX, dám bộc bạch, dám yêu cà dám thổ lộ tất cả.
“Sóng” được Xuân Quỳnh đặt bút viết vào ngày 29/12/1967 trong chuyến đi thực tế đến vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” một năm sau đó. Lúc này, Xuân Quỳnh vừa chia tay với người yêu đầu. Trong lòng chị biết bao thổn thức, suy tư. Đứng trước cảnh biển rộng lớn, gió từ đại dương bao la thôi vào chị từng đợt sóng lòng. Chính vì vậy mà nhà thơ lấy hình ảnh trước mắt làm hình tượng thơ của mình – hình tượng “sóng”. Gắn liền với hình tượng “sóng” là hình tượng “em” xuyên suốt toàn bài. Hai hình tượng tuy khá nhau, nhưng lại là một thể thống nhất, mang bao nhiêu tâm tình của tác giả. Kết hợp với âm hưởng thơ nhẹ nhành nhờ vận dụng lối thơ năm chữ, không ngắt nhịp và hình tượng “sóng” trở đi trở lại như nhịp điểu của sóng biển dào dạt. Như thế mới diễn tả chính xác trạng thái tinh tế của tình yêu.
Quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh giống với câu nói của Lev Tolstoy mà chị vẫn hay nhắc. Đại ý rằng người ta sẽ có sức mạnh vô tận khi có tình yêu. Và thật sự nếu có một thứ tôn giáo tình yêu như thế thì chị chính là “một trong những tín đồ ngoan đạo nhất”. Thật vậy. Mở đầu bài thơ, ta đã thấy tâm trạng thất thường, phức tạp của một người con gái suy tư về sóng, về tình yêu của mình:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Hai câu thơ đầu không cần có chủ ngữ mà trực tiếp đi vào cảm nhận. Từng cặp tính từ đối lập “dữ dội” – “dịu êm” và “ồn ào” – “lặng lẽ” cùng với cách gieo từ láy nhịp nhàng tạo nên tiếng sóng xô vào bờ mạnh mẽ rồi nhẹ nhàng lùi về phía xa. Kể từ lúc này, ta nhận ra “sóng” không đơn thuần là một hình tượng được nhắc đến. Mà đây chính là hình ảnh ẩn dụ cho tình yêu. Đưa ra quy luật sóng cũng chính là quy luật về tình yêu, cảm xúc trong lòng tác giả. Mà đã gọi là tình yêu thì biết đâu là giới hạn! Cũng như con sóng ấy vốn dĩ phải ở một không gian rộng lớn chứ không phải một nơi bị ràng buộc, cản trở bởi đôi bờ. Đôi bờ sông kia đã khiến “sóng” ngày càng khó hiểu bản thân mình. Nghệ thuật đối ở hai câu thơ đầu tiên cũng đã nói lên đặc tính “sóng” vốn có nhiều đối cực như tình yêu, tâm trạng của người thiếu nữ vậy.
Muốn hiểu được bản chất tình yêu cảu người con gái ấy phải vượt qua bề mặt nông nổi, “ồn ào” để chiếm lĩnh bản chất khiêm nhường, “dịu êm” bên trong. Khát vọng đi tìm hạnh phúc chắc chỉ có những người đã và đang yêu mới thấu hiểu được. Hình ảnh nhân hóa “sông không hiểu nổi mình” là một trăn trở cụ thể. Khi ở sông, “sóng” không thể tự là chính mình vì không gian chật hẹp. Nó đã tự thân tìm ra biển khơi rộng lớn như người con gái đi tìm nơi không giới hạn tình yêu. Mạch thơ – mạch “sóng” cuối cùng cũng bứt phá từ không gian cũ đến một chân trời mới. Ba hình ảnh “sông”, “sóng”, “bể” bổ sung cho nhau khi mà “sông” và “bể” làm nên đời “sóng”. Còn “sóng” chỉ thật sự là mình khi đến với biển khơi vô tận. Xuân Quỳnh để người đọc hiểu rằng muốn có được một tình yêu đích thực phải vượt lên trên mọi rào cản, mọi cái tầm thường để hướng đến những điều bao dung, cao cả. Cũng từ đó mà ta nhận ra quan nhiệm tình yêu vô cùng tiến bộ, đúng đắn của tác giả: không yên phận với những thứ được sắp đặt, yêu là phải chủ động để được là chính mình.
Vẫn tiếp tục với tâm trạng của người con gái đang yêu cùng những cảm xúc mãnh liệt, Xuân Quỳnh khẳng định:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Thán từ “ôi” đặt ở đầu câu thơ đã làm rung lên trái tim thổn thức của bất cứ ai đang yêu, bật ra từ những xúc cảm chân thật, bình dị nhất.
Hình ảnh đối lập “ngày xưa” – “ngày sau” và cụm từ “vẫn thế” đã mạnh mẽ khẳng định quy luật bất biến của sóng biển cũng như quy luật vận động trong tình yêu. Động lực để” con sóng” mãi mãi đi tìm biển rộng chính là khát vọng sống trong hạnh phúc đời mình. Trải lòng trong tập Chồi Biếc, nữ sĩ đã từng viết thế này:
“Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên)
(Thuyền và Biển – Xuân Quỳnh)
Và rồi để giải thích thêm cho những gì mình đã trải lòng, chị dũng cảm nói lên khát vọng muôn đời, khát vọng tình yêu của người trẻ qua bài thơ “Sóng”:
“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Từ láy “bồi hồi” cùng hình ảnh hoán dụ “ngực trẻ” một lần nữa thắt chặt tình yêu và tuổi trẻ luôn song hành với nhau. Cách thể hiện của Xuân Quỳnh vô cùng thẳng thắng, táo bạo mà chân thành vô cùng. Làm sao mà sống không có tình yêu cho được. Dù tình yêu luôn khiến con người ta rơi vào bể trạng thái bồi hồi điên đảo. Như Xuân Diệu cũng viết:
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”
(Tuổi nhỏ – Xuân Diệu)
Hoặc chính Xuân Quỳnh cũng từng thể hiện tâm trạng “bồi hồi” ấy:
“Có một thời ngay cả nỗi đau
Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi
Mơ ước viển vông niềm vui thơ dại
Tuổi xuân mình tưởng mãi vẫn tươi xanh
(Có một thời như thế – Xuân Quỳnh)
Trở lại với “Sóng”, nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn tiếp tục mạch cảm xúc băn khoăn không dứt. Giờ đây, chị suy tư về “Sóng” và nơi bắt nguồn của tình yêu. Hình tượng “sóng” và “em” gắn liền, níu giữ những bí ẩn, trăn trở mở hồ của người viết:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”
Có người nói cái nhìn của Xuân Quỳnh xuất phát từ bên trong, không như những cái nhìn già dặn, đứng đắn đi từ ngoài vào của các nhà nghiên cứu tình yêu khác. Vì vậy khi nhắc đến cội nguồn của tình yêu, chị đứng giữa sự phân vân của chính mình và phải chăng đó cũng là dấu hiệu của người bắt gặp tình yêu? Với điệp ngữ “em nghĩ” kết hợp với hình ảnh “anh” – “em”, “biển lớn” và “sóng”, chị đã gợi lên tâm tư của người con gái đầy trăn trở, hoàng mang trước bờ biển Diêm Điền. Căn nguyên của “sóng” bắt đầu từ đâu? “sóng” và “biển” gặp nhau khi nào? Câu hỏi tu từ cuối khổ bắt đầu cho một chuỗi nghi vấn. Chợt nhớ đến trong “Thuyền và biển”, Xuân Quỳnh cũng từng nói ra sự trăn trở ấy:
“Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi”
(Thuyền và biển – Xuân Quỳnh)
Câu hỏi tu từ được tiếp tục ở khổ thơ tiếp theo. Quy luật tình yêu dường như không lấy cho mình một hồi kết:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Câu thơ đầu đã lí giải nguồn gốc của “sóng” là từ “gió”. Nhờ có “gió” mà “sóng” mới ồ ạt vỗ. Còn “gió” bắt đầu từ nơi đâu thì chị không xác định. Tựa những chơi vơi xuất phát từ những đối cực trong lòng chị, nói đúng hơn là tâm trạng của một người đang yêu không nhận ra mình đã rung động, loạn nhịp từ lúc nào. Câu thơ nối tiếp tạo sự hứng thú cho người đọc, tình yêu diệu kỳ, tự nhiên như sóng biển, gió trời đến bất chợt trong lòng người đọc. Để tiếp tục cho câu hỏi của chính lòng mình, chị giữ nguyên vẹn tâm lí của người phụ nữ với cái “lắc đầu” nũng nịu, đáng yêu vô cùng:
“Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Nếu quy luật của thiên nhiên là vô cùng, vô tận thì quy luật trong tình yêu cũng vậy. Càng cố hướng đến cội nguồn của tình yêu thì càng bế tắc, bất lực. Người ta vẫn hay đối chiếu hai câu thơ này của Xuân Quỳnh với đoạn thơ trong bài “Vì sao” của Xuân Diệu:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”
(Vì sao – Xuân Diệu)
Tuy cả hai đều có sự tương đồng, đều là một kẻ ngẩn ngơ đứng trước tình yêu, nhưng Xuân Diệu có thể cắt nghĩa một cách cụ thể, rạch ròi. Đó là cách định nghĩa, giải thích từ bên ngoài. Còn Xuân Quỳnh, xưa nay chị vốn không có sở thích lý giải dù trong lòng có biết bao là khúc mắc, trăn trở. Chính vì thế mà cách cảm nhận của chị khiến ta phải suy tư nhiều hơn, không lý giải được nên luôn cảm thấy nó đẹp và thú vị. Càng khám phá thì càng thấy đẹp. Càng đi sâu vào căn nguyên tình yêu thì càng rơi vào quy luật sóng vỗ ngàn năm không lúc nào ngơi nghỉ. Giọng thơ đầy nữ tính như được cất lên trong tâm trạng thổn thức, bồi hồi mà lại rất chân thành.
Vương Trí Nhân cũng từng nói về chị: “Hình ảnh cả đời Xuân Quỳnh rút lại là hình ảnh một con người sống bằng tình yêu, làm thơ nhờ tình yêu, sung sướng vô cùng trong tình yêu và cũng bị tình yêu hành hạ đến cùng cực”. Quả đúng như thế. Đi tìm tình yêu không xong, chị lại tiếp tục suy tư về sóng và tình yêu đôi lứa ở bản chất của nó. Lần này tâm tư trải dài hơn, miên man hơn được thể hiện ở khổ khác với sáu câu thơ:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Điệp ngữ “con sóng” cùng hình ảnh đối lập “dưới lòng sâu” và “trên mặt nước” đã tạo ra cặp câu song đối nhịp nhàng. Điệp trùng “con sóng” gợi một nỗi nhớ da diết, choán cả không gian, từ tầng sâu đến bề rộng. “Con sóng” lặn xuống lòng đại dương với thanh bằng và “con sóng” tung bọt trắng xóa “trên mặt nước” với thanh trắc ở cuối mỗi câu thơ. Cũng như hình tượng “em” dù trắc trở, khó hiểu đến mấy thì vẫn là “em” – người con gái ôm cho mình nỗi nhớ vô hạn trong tình yêu. Vừa bộc lộ gián tiếp vừa giãi bày trực tiếp, chị làm cho mọi thứ khi ẩn, khi hiện. Đó mới chính là “nhịp sóng” của bài thơ. Thán từ “ôi” kết hợp với nhân hóa “con sóng nhớ bờ” nên “không ngủ được” đã vô tình phá đi ẩn dụ của hình tượng “sóng”, chị hé mở một vài suy nghĩ của chính mình. Từ nỗi nhớ không gian, giờ đây cả thời gian “ngày đêm” của chị cũng tràn ngập tình yêu. Dường như chị đang khẳng định điều mà người đọc mơ hồ: “con sóng” ấy chính là bản thân chị. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn du từng dùng hình ảnh “sóng tình” để đặc tả tình cảm của Kim Trọng đối với Thúy Kiều.
“Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xen trong âu yếm có chiều lả lơi”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Và mấy trăm năm sau, Xuân Diệu cũng dùng “sóng” để diễn tả tình yêu mãnh liệt của người con trai với người con gái:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”
(Biển – Xuân Diệu)
Đưa ra những câu thơ trên để thấy rằng Xuân Quỳnh đã dám khẳng định mình, dám vượt lên trên những định kiến khắt khe tồn tại hàng nghìn năm qua. Dường như chưa thỏa hết nỗi nhớ, hoán dụ “lòng em” cùng với nỗi nhớ miên man đến “cả trong mơ còn thức” đã táo bạo thể hiện nỗi lòng của tác giả. Cái nghịch lý được tạo ra khi con người ta đang trong trạng thái “mơ”. Tức là mọi ý thức được giấc ngủ chiếm lấy nhưng vẫn còn một phần “thức”. Một chút tâm tư nhỏ nhoi ấy là cả nỗi nhớ da diết xuyên thấu đêm mơ của tác giả. Xuân Quỳnh ơi, có phải chị đang thương cho chính mình, vì quá yêu, quá nhớ mà gần như tâm trí của chị đã thuộc về con người ấy. Đau lòng thay, đối phương có nhớ đến chị như cách chị dành trọng tâm tư cho họ không? Và như lời nhận xét của Lại Nguyên Ân: “Gần nhơ chị đã trở thành nhân vật văn học của chính thơ chị. Vẫn chỉ là mình và người mình yêu đấy thôi. Nhưng đó đã như là ước mơ của mình về mình và cho mình”
Lòng chung thủy vừa như một thuộc tính vừa là bản chất của một tình yêu chân chính. Vẻ đẹp của người con gái truyền thống sống trong thời hiện đại được thể hiện ở khổ thơ kế tiếp:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Với hình thức điệp từ ngữ, điệp cấu trúc kết hợp nghệ thuật đối lập qua cách nói ngược xuôi “bắc” về “nam” đã tạo ra một không gian rộng mở về nỗi nhớ. Cũng từ đó mà nhà thơ nhấn mạnh rằng bất chấp sự cách trở của không gian hay thời gian thì người phụ nữ vẫn giữ nguyên vẹn lời thề vàng đá, sắt son. Nữ thi nhân xáo trộn mọi thức chỉ để khẳng định điều quan trọng nhất bây giờ là “phương anh” – phương của tình yêu.
Người con gái giàu lòng trắc ẩn ấy đang đứng trước biển rộng, đứng trước những nỗi chơi vơi, hoang mang vô tận. Tuy vừa chia tay nhưng trong lời thơ tràn ngập niềm hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Chị không bi lụy, sướt mướt mà vẫn hồn nhiên trong vần thơ của mình. Một người chìm đắm trong khát vọng hạnh phúc. Tuy chưa tìm thấy điểm đến nhưng không hề có cảm giác thất tình. “Con sóng” tự do là vì thế! Để vẹn toàn mối tình ấy, “con sóng” phải vượt qua muôn trùng trắc trở:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Hình ảnh hoán dụ “trăm ngàn con sóng” muốn nói đến những khát khao không bến đỗ của người con gái. “Con sóng” kia muốn tới bờ phải vượt qua mọi giông tố, bão bùng nơi biển cả. “Em” muốn đến nơi hạnh phúc, bình yên cạnh “anh” phải vượt qua mọi cạn bẫy, thách thức cuộc đời. “Chẳng” ở đây không còn mang định nghĩa phủ định nữa. Thực ra nữ thi nhân vẫn luôn ấp ủ tình yêu cháy bỏng của mình trong từng con chữ. Muốn mạnh mẽ khẳng định khao khát của mình trong từng “con sóng” vỗ ào ạt nơi khơi xa. Mượn hình ảnh “con sóng” xô vào bờ để nói đến niềm tin của tác giả trong tình yêu: dù cuộc đời có muôn phần gian khó thì tình yêu chân chính cũng sẽ đến được bến bờ hạnh phúc. Niềm tin của một người vừa mất đi mối tình đầu, băn khoăn giữa việc chờ đợi hay như “con sóng” tìm một bến bờ thật sự dành cho nó.
“Có một kẻ điên đứng làm thơ
Nhặt lá vàng rơi lúc chuyển mùa
Xếp lên hàng chữ ngàn năm đợi
Cố nhân nẻo ấy đẹp lòng chưa?”
(Khúc tự tình – Thiên Gia Bảo)
Tình yêu trong lời thơ Xuân Quỳnh vừa mang vẻ đẹp hiện đại, vừa đậm đà vẻ đẹp truyền thống. Nữ thi nhân vẫn tiếp tục với hình tượng “sóng” nhưng lần này ở một mức độ cao hơn, là một khao khát mãnh liệt về tình yêu cao cả, bất tử. Đứng giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cuộc đời mỗi người và tình yêu lứa đôi, giữa thiên nhiên vũ trụ và thời gian vô cùng:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Lúc đặt bút viết bài thơ này, Xuân Quỳnh chỉ vừa 25 tuổi nên thấy”cuộc đời” phía trước rất dài. Nhưng cảm giác tiếc nuối mới là điều mà người đọc cảm nhận rõ nhất. Điệp cấu trúc quan hệ “tuy” – “vẫn” làm cho giọng thơ trở nên buồn hẳn, xót xa vô cùng cực. Tưởng tình yêu chân thành sẽ vô sự, an yên, nào ngờ như “con sóng” kia cứ cuốn theo bao thế sự khó lường để rồi trôi xa mãi, không còn thấy bến bờ. Cách so sánh “cuộc đời” và “biển cả”, “năm tháng” và “mây bay” giúp người đọc hình dung giới hạn của sự sống. Đời người tuy dài là thế nhưng chẳng ai níu giữ được một khắc nào cả. Thời gian không thiên vị, bất công với ai. Nó là một thước đo đời người công bằng nhất. Đại dương kia cũng vậy. Có rộng lớn đến mức nào cũng không thể giữ bầu trời mây trắng kia cho riêng mình mãi được. Nữ thi nhân trăn trở, tiếc nuối trước cái hữu hạn quá ích kỉ để chứa tình yêu cao cả của chị. Xuân Quỳnh khao khát một tình yêu vĩnh cửu, trường tồn với thời gian. “Sóng” đã giúp chị cất lên tiếng lòng ây:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Câu hỏi tu từ đầu đoạn làm cho âm hưởng thơ trở nên day dứt. Nhưng nó không phải lối đưa người đọc vào một vòng luẩn quẩn. Động từ “tan ra” kết hợp hình ảnh “trăm con sóng nhỏ” cùng với không gian “biển lớn tình yêu” và thời gian”ngàn năm” đã đưa khao khát hòa nhịp, hòa mình của tác giả lên một tầm vóc cao hơn. Chị muốn hòa mình vào “biển lớn tình yêu” của nhân dân, nhân loại để có được một tình yêu bất diệt, bất tử. Đến lúc này mới nhận thấy mơ ước, sự trăn trở của chị thật cao đẹp, tuyệt vời. Câu thơ như bừng sáng, trí tuệ, thoát khỏi tình yêu riêng. “Sóng” giờ đã có chân trời, có bể rộng cuộc đời để chiêm nghiệm. Trong bài thơ “Tự hát”, Xuân Quỳnh cũng đã thể hiện khát vọng sống mãi với thời gian, đắm chìm mãi với tình yêu cao cả của mình:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai cũng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
(Tự hát – Xuân Quỳnh)
Hình tượng “sóng” là một biểu tượng ẩn dụ xuyên suốt toàn bài thơ. Qua đó mới nhìn thấy nhiều hơn khá cạnh tâm hồn của người phụ nữ đang yêu. Bài thơ mang một âm hưởng “sóng” dào dạt, lúc thầm thì lắng sâu, lúc miên man vô cùng, vô tận, lúc sôi nổi mạnh mẽ. Nhịp “sóng” đó phải chăng cũng chính là nhịp lòng của tác giả. Một điệu hồn không phút nào yên ổn, luôn chứa đầy những biến động, những khao khát rạo rực của người con gái đa sầu, đa cảm khi yêu. Có thể nói Xuân Quỳnh là một hiện tượng đặc biệt trong giới văn chương. Lời thơ bình dị vô cùng, cớ sao lại tác động mạnh đến tâm trí người đọc đến vậy. Từ cách gieo vần, nghệ thuật tu từ, hình ảnh ẩn dụ làm nên một “con sóng” hòa vào bất tử của nhân loại đúng như ý muốn của nữ thi nhân. Đáng tiếc thay, chị ra đi sớm quá…
Nói tóm lại, “Sóng” là một trong những bài thơ tình đặc sắc nhất. Nếu gọi Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình’ thì danh hiệu “bà hoàng thơ tình” chắc chắn dành riêng cho Xuân Quỳnh. Chị là mẫu người phụ nữ hiện đại, dám yêu, dám thổ lộ nhưng vẫn giữ gìn sự sắc son, thủy chung của một tình yêu truyền thống. Và phải chăng khi quay lưng về phía biển cả, chị đã cất bỏ những nỗi đau riêng, hướng đến một vùng trời mới hạnh phúc hơn. Chị tin vào điều đó và chính chị cũng khiến người đọc tin vào điều đó. Sóng cứ ào ạt vỗ, dù cho thiên mệnh cướp đi quyền sống của chị thì những con chữ vẫn tiếp tục theo nhịp sóng đến với người đọc. Một lần nữa, trái tim Xuân Quỳnh hòa chung nhịp đập đến vô tận như Mai Quốc Liên đã nói: “Người con gái ấy không có ý định làm một cuộc cách tân thơ, cũng không có ý định trau chuốt nghệ thuật thơ của mình. Nhưng chị đi trên con đường lớn của thơ, con đường đi từ trái tim và ở lại giữa những trái tim người đời”. Chị đã, đang và sẽ sống như thế, mãi mãi….
– Võ Bích Trâm –
Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh – Bài văn số 3
Mười bảy, cảm nhận được chút man mác và làm du dương tâm hồn, chút bồi hồi xao xuyến và khát vọng về những điều xa xôi dường như vô hình, trái tim trẻ trong ta không thôi đập những nhịp thổn thức vì cảm giác khó hiểu, lúc dâng lên mãnh liệt, lúc lắng xuống dịu dàng nhưng vẫn âm thầm chảy mãi như những con sóng miệt mài đi tìm lí lẽ của trái tim trước biển đời mênh mông. Và khi những lời thơ của Xuân Quỳnh chợt ngân lên bằng tất cả sự tinh tế, nhạy cảm, “Sóng” làm ta có cảm giác như trong đó là một phần tâm sự tình yêu của chính mình.
Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca Việt Nam. Đã có nhiều nhà thơ viết về đề tài này với những cảm xúc và phong cách nghệ thuật riêng của mình, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Xuân Diệu đã từng làm người đọc nhớ mãi khi đặt tất cả dấu ấn tình yêu mãnh liệt của mình với “Biển”, còn Xuân Quỳnh- một nhà thơ nữ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thể hiện tình yêu của mình qua hình ảnh “Sóng”, một sự tiếp nối và sáng tạo độc đáo trong định nghĩa về tình yêu. Lúc nhịp nhàng trầm lắng, khi sôi nổi ngân nga đầy mãnh liệt, Sóng – dòng chảy xuyên suốt của bài thơ đã thể hiện tình cảm chân thành và sâu sắc của người phụ nữ đang yêu
Mở đầu bài thơ là một trạng thái đặc biệt của trái tim khao khát tình yêu, tìm đến những cảm xúc lạ lẫm và mới mẻ trong tâm hồn:
“Dữ dội và lặng yên
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Trong lòng mỗi người luôn hiện hữu một con sóng tình cảm ngập tràn, nhưng chỉ đến khi nó được dâng lên và lan tỏa ta mới có thể cảm nhận được những thay đổi trong suy nghĩ và nhận thức về tình yêu. Không gấp gáp, vồ vập, Xuân Quỳnh đã thay lời tất cả những trái tim trẻ bộc lộ nỗi lòng mình bằng những trạng thái tình cảm khác nhau thông qua những con sóng. Khi dữ dội mãnh liệt, khi dịu êm trầm lắng, khi ồn ào nhấp nhô, có lúc lại âm thầm lặng lẽ, những tình cảm tưởng chừng như mâu thuẫn, đối lập nhau trong trái tim của người phụ nữ nhưng lại mang theo tất cả những đặc điểm và trạng thái tâm lí đang khao khát tình yêu. Nhiều khi chính bản thân họ không thể định nghĩa và gọi tên cảm xúc của chính mình, muốn tìm đến những định nghĩa riêng, tìm sự đồng điệu, hòa nhập vào bể lớn tình yêu. Chính vì thế từ dòng sông bình lặng nhỏ bé trong tâm hồn, con sóng tình đã đi đến những miền bể xa. Nơi ấy có tình yêu và nỗi khát vọng không khi nào ngừng tắt:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Tình yêu luôn hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người, giúp cho tâm hồn thêm nhạy cảm, tinh tế và biết tin vào những điều tốt đẹp. Với Xuân Quỳnh, tình cảm ấy- những con sóng lòng từ ngàn xưa đến nay và đến tận mai sau vẫn không bao giờ ngừng chảy. Quá khứ của ngày xưa, tương lai của ngày sau mãi vẹn nguyên một nỗi khát vọng bồi hồi về tình yêu trong trái tim của người phụ nữ trẻ khao khát xa xôi. Giờ đây, đứng trước bể lớn mênh mông, cảm nhận mình nhỏ bé và lọt thỏm trong cảm giác tình yêu mênh mông, người con gái ấy nghĩ về bản thân mình, về người yêu, về biển lớn và tự hỏi chính bản thân mình: “Từ nơi nào sóng lên?”. Tình cảm ấy xuất phát từ nơi nào, từ chính bên trong mỗi người hay từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ bên ngoài? Khi yêu, ai cũng như ai, đều muốn phân tích và định nghĩa từng trạng thái tâm lí, từng biểu hiện cụ thể để đi đến định nghĩa và giả thích về nó. Sáng tạo trong cách thể hiện, trong cách định nghĩa, nhà thơ nữ trẻ đã giải thích những điều khó hiểu ấy bằng những hình ảnh quen thuộc, nhẹ nhàng:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Nỗi nhớ là biểu hiện của tình yêu khi xa cách. Nỗi nhớ ấy được Xuân Quỳnh diễn tả thật mãnh liệt, thường trực cả mọi lúc, khi thức cũng như khi ngủ. Những tình cảm chôn chặt trong lòng, tình cảm tràn ngập trong tim muốn bộc lộ nhưng không thể nói lên thành lời, chỉ biết tìm đến trong nỗi nhớ mãnh liệt, cồn cào và da diết. Như những con sóng cuồn cuộn, triền miên, vô tận, nỗi nhớ ấy đã chảy vào từng nhịp sống, trong cả tiềm thức là những giấc mộng đêm về. Sóng khao khát tới bờ, còn em thì khao khát đến với anh. Tình yêu của người con gái lúc thiết tha, mãnh liệt nhưng vô cùng nữ tính, ý nhị và sâu xa, chân thành.
“Con sóng dưới lòng sâu
……………
Cả trong mơ còn thức”
Trải qua bao trắc trở gian lao, bao biến cố ngược xuôi, khó khăn gian khổ, dù không gian địa lí cách trở, thời gian xa xôi nhưng lòng người con gái vẫn “hướng về anh – một phương”, không bao giờ thay đổi. Điều đó thể hiện được sự chân thành, chung thủy trong tình yêu của người phụ nữ, luôn gửi tình yêu của mình đến một người, chỉ một người thôi nhưng đầy ăm ắp. Những con sóng đại dương dù bão tố vùi dập nhưng vẫn trở về với bờ, hòa nhập vào miền cát ấm nóng. Và ở đây, cô cũng tự dặn lòng mình, hứa với tình yêu của mình sẽ đến với bờ bến hạnh phúc dẫu xa xôi, dù muôn vàn cách trở
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dẫu muôn vàn cách trở”
Khát vọng mãnh liệt, tình yêu chân thành sâu sắc nhưng trong trái tim trẻ kia vẫn ý thức được rằng đó là thứ mong manh khó giữ, có thể trơn tuột khỏi tay:
“Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu mai có thể xa rồi”
(Nói cùng anh)
Trăn trở, băn khoăn liệu tình yêu ấy có vượt qua được bể lớn của cuộc đời, liệu có thoát khỏi quy luật cuộc sống, những đổi thay không ai nói trước được. Cuộc đời dài đấy, năm tháng dẫu đi qua, mây vẫn bay, biển vẫn rộng, sóng vẫn vỗ bờ nhưng rồi tất cả sẽ vào cõi xa xăm vô định. bể lớn cuộc đời, bể lớn tình yêu là vô hạn nhưng cuộc đời con người là hữu hạn, làm sao có thể vượt thoát ra khỏi giới hạn ấy? Xuân Quỳnh đã đặt nỗi trăn trở ấy trải dài theo những con sóng tìh cảm lo âu, để rồi nó trở nên thôi thúc, bùng lên thành khát vọng được trở thành những con sóng mãi trường tồn, mãi dâng lên và tìm đến bờ:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Những con sóng dạt dào đã khép lại, nhưng những con sóng tình yêu trong lòng mãi dâng lên và cồn cào, khắc khoải trong biển khơi, trong lòng mỗi chúng ta – những người vừa chớm mười bảy….
Mẫu phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh – Bài số 4
Trong nền văn học Việt Nam, thật khó có nữ thi sĩ nào có một tâm hồn nữ tính, dịu dàng và đằm thắm như nhà thơ Xuân Quỳnh. Bà viết những bài thơ như là những lời tự bạch, tự tình của chính mình chứ không phải là một công việc sáng tác. Tiếng thơ Xuân Quỳnh luôn mãnh liệt, tràn đầy cảm xúc với những tâm tư, tình cảm sâu sắc của một người phụ nữ, nhất là bài thơ Sóng. Bài thơ là những tâm trạng của người con gái khi yêu, từ đó khái quát lên quy luật của tình yêu trong cuộc đời. Đọc bài thơ, ta thấy thêm yêu những vần thơ ngọt ngào và đi vào lòng người của nữ thi sĩ.
Bài thơ Sóng được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi công tác của Xuân Quỳnh ở vùng biển Diêm Điền. Sau này, tác phẩm được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” năm 1968. Cả bài thơ khiến cho người đọc hiểu được những tâm tư, tình cảm của người con gái trong tình yêu, cùng với nỗi khát vọng to lớn của họ đối với tình yêu của cuộc đời.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh sóng mộc mạc và giản dị:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Nhà thơ đã rất khéo léo khi sử dụng hai trạng thái đối lập của sóng trong hai câu thơ liên tiếp: “Dữ dội-dịu êm”, “ồn ào-lặng lẽ”. Những trạng thái khác nhau của sóng cũng giống như những cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu. Có khi họ mãnh liệt, cháy bỏng, có khi lại trầm lắng, suy tư. Người con gái sống trong những trạng thái cảm xúc khác nhau của tình yêu, khiến cho họ cũng chẳng thể hiểu được lòng mình nữa: “Sông không hiểu nổi mình”. Hình tượng “sông” và “bể gợi nhiều liên tưởng sâu xa. Sông là cái nhỏ bé, chật hẹp. Còn bể là biển lớn, bao la và mênh mông. Từ hai hình tượng này, Xuân Quỳnh muốn khái quát lên quy luật của tình yêu, đó là khao khát mãnh liệt, cháy bỏng của con người muốn thoát ra khỏi cuộc sống tầm thường để vươn đến với tình yêu, vươn đến với hạnh phúc.
Từ quy luật của tình yêu, Xuân Quỳnh đi đến khẳng định nó là bất diệt, mãi mãi:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Nếu như con sóng ngoài biển khơi vẫn ngày đêm vỗ vào bờ thì khao khát tình yêu trong em cũng trường tồn, bất diệt như sự tồn tại của sóng trong tự nhiên. Những con sóng của ngày hôm qua với hôm nay vẫn như thế, vẫn không hề đổi thay trước những xoay chuyển của cuộc đời. Khát vọng tuổi trẻ trong em có lẽ không bao giờ cạn, chỉ đến khi trái tim này thôi ngừng đập thì có lẽ nó mới ngừng dâng lên. Nhà thơ thể hiện nỗi lòng của mình thật tự nhiên mà cũng rất sâu sắc, khiến cho người đọc cảm nhận được khao khát mạnh mẽ của người phụ nữ trong tình yêu.
Trước sự bất diệt, trường tồn của tình yêu, Xuân Quỳnh có những suy nghĩ, những trăn trở về tình yêu của mình:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”
Cho đến khổ thơ thứ ba, người đọc có thể thấy được hình tượng “Sóng” và hình tượng “em” luôn song hành cùng nhau, bởi những trạng thái của sóng cũng giống như những cảm xúc mà em trải qua trong tình yêu. Đúng như vậy, khi con người đã đã đắm say vào trong tình yêu hay đắm say bất cứ một thứ gì thì họ luôn muốn tìm hiểu cội nguồn của những thứ tình cảm đẹp đẽ ấy. Ta có thể hiểu được tâm trạng của Xuân Quỳnh bởi nhà thơ Xuân Diệu cũng đã từng đặt câu hỏi cho cội nguồn của tình yêu:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”
Khi đặt câu hỏi cho tình yêu, nhà thơ Xuân Diệu cũng không thể lí giải được cội nguồn của nó. Nhà thơ như muốn “Hỏi thế gian tình là gì?”, nhưng thế gian chỉ để lại cho ông một dấu chấm hỏi lơ lửng. Rằng tình yêu làm sao có thể lí giải được, làm sao có thể cắt nghĩa được. Ta không thể nắm bắt được tình yêu, cũng như không thể nhìn thấy nó mà chỉ có thể cảm nhận được bằng cả tâm hồn. Cũng như Xuân Diệu, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh chẳng thể nào tìm được lí do cho tình yêu của cuộc đời:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Ban đầu, nhà thơ tìm hiểu được rằng sóng bắt đầu từ gió, nhưng gió bắt đầu từ đâu thì lại không thể trả lời. Cũng giống như tình yêu mà em dành cho anh, nó cứ thế mà đến, một cách tự nhiên, không ai có thể biết trước được. Lời thơ tình tứ, chân thật chứa đựng biết bao tâm tình của người con gái khiến cho ta thấy một tâm hồn đầy nữ tính của tác giả. Và khi đã yêu rồi, thì người con gái lúc nào cũng mang trong mình nỗi nhớ người yêu thường trực:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Những con sóng ngoài biển khơi dữ dội kia, dù là ở dưới lòng sâu, dù là trên mặt nước thì nó vẫn cứ dạt vào bờ. Hình tượng sóng hướng về bờ biểu tượng cho em hướng về anh, hướng về tình yêu mãnh liệt và đẹp đẽ của chúng mình. Từ cảm thán “ôi” cho thấy cảm xúc tràn trề, những con sóng lòng là nỗi nhớ người yêu đang dâng lên từng đợt trong tâm hồn người nữ thi sĩ mộng mơ. Hai câu thơ cuối của khổ thơ gợi liên tưởng thật đẹp. Trạng thái “trong mơ còn thức” diễn tả một nỗi nhớ thường trực, chưa bao giờ nguôi ngoai của người con gái. Rằng một khi đã yêu thì họ sẽ dành cả tâm hồn mình cho người mình yêu, không lúc nào là không nhớ đến họ. Hai khổ thơ tiếp theo cho thấy sự chung thủy của người con gái đối với tình yêu của mình:
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh -một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Xuân Quỳnh khẳng định rằng dù ở nơi phương nào thì em cũng vẫn một lòng một dạ, hướng về một phương duy nhất, đó là phương anh. Tình cảm thủy chung, son sắt với người mình yêu của người con gái khiến cho ta không khỏi xúc động. Hình ảnh những con sóng ở ngoài đại dương, dù có gặp muôn vàn trắc trở nhưng vẫn tới được bến bờ cho thấy cái kết thật đẹp của một tình yêu. Dù có khó khăn như thế nào thì chỉ cần hướng về nhau, đôi ta sẽ có thể vượt qua được hết. Em cũng như vậy, trước bao sóng gió của cuộc đời, em không vấp ngã được đâu, vì em còn phải tìm đến anh, đến bến bờ hạnh phúc của đôi ta.
Trước cuộc đời bao la, rộng lớn, Xuân Quỳnh muốn được tan ra, được hòa bình vào với tình yêu của cuộc đời:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Hai khổ thơ cuối là sự trăn trở của nhà thơ trước cái hữu hạn của cuộc đời. Xuân Quỳnh lo lắng rằng cuộc đời này trôi qua nhanh quá, làm sao trường tồn, vĩnh cửu được như tình yêu, cho nên nhà thơ muốn được tan ra thành trăm con sóng nhỏ, để hòa mình vào với biển lớn. Trạng thái “tan ra” cho thấy khao khát cháy bỏng, mãnh liệt của Xuân Quỳnh.
Ta thấy được những tâm tư, tình cảm chân thật nhất của nữ thi sĩ, rằng Xuân Quỳnh muốn đem tình yêu của mình vào tình yêu lớn của đất nước, để có thể cống hiến những điều đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất.
Kết thúc bài thơ Sóng, ta có thể hiểu được những tâm trạng của người con gái khi yêu cùng với khao khát mãnh liệt của nữ thi sĩ trong tình yêu. Xuân Quỳnh qua bài thơ Sóng như mở ra cho ta một khía cạnh mới khi tiếp cận tình yêu thông qua một hình ảnh thiên nhiên thật giản dị”sóng”. Hình tượng này có lẽ sẽ mãi là một hình tượng đẹp trong nền văn học Việt Nam khi nói lên đầy đủ các tầng ý nghĩa trong tình yêu của cuộc đời.
Bài văn phân tích tác phẩm Sóng của Xuân Quỳnh – Bài số 5
Xuân Quỳnh được mệnh danh là nữ hoàng thơ tình yêu Việt Nam. Thơ của chị thường bộc lộ những rung cảm và khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết và đằm thắm. Một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Quỳnh là Sóng.
Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Đây là bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Quỳnh. Mở đầu bài thơ, Xuân Quỳnh đã qua hình ảnh của sóng để diễn tả đầy đủ những cung bậc trong tình yêu với những điểm đối lập:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Cũng giống như con sóng ngoài đại dương, người con gái trong tình yêu cũng có những cung bậc cảm xúc thật đa dạng. Khi thì dữ dội, ồn ào đấy mà cũng có lúc lại thật êm đềm, lặng lẽ. Tình yêu dường như luôn có quy luật mà lý trí chẳng thể giải thích được. Để rồi, người con gái khi yêu đã có suy nghĩ:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Cái mở mẻ của Xuân Quỳnh ở đây chính là sự chủ động của người con gái trong tình yêu. Nếu như “sông” không thể hiểu nổi mình, “sóng” sẵn sàng tìm ra biển lớn – tìm đến với tình yêu đích thực của đời mình.
Tiếp đến khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã khẳng định một chân lý, nếu sóng tồn tại bất diệt với đại dương thì tình yêu tồn tại bất diệt với con người:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Sóng vốn là hình ảnh thiên nhiên, và khi nào vũ trụ này vẫn còn tồn tại có nghĩa là sóng vẫn sẽ tồn tại. Nếu con sóng tồn tại bất diệt với thời gian dù là “ngày xưa” hay “ngày sau” thì “vẫn thế” – không thay đổi. Thì tình yêu cũng vậy, nó luôn tồn tại vĩnh cửu vượt qua mọi thời gian, không gian. Nhưng đặc biệt nhất là ở “ngực trẻ”. Bởi có lứa tuổi nào mà tràn đầy rạo rực yêu đương như ở tuổi trẻ? Chính tình yêu mang đến cho tuổi trẻ những nhịp đập rung động khác thường, sự tươi sáng vui tươi, lặng lẽ viết lên những trang nhật ký thanh xuân đầy đẹp đẽ.
Để rồi những câu thơ tiếp theo tiếp tục lí giải về nguồn gốc của tình yêu:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Người phụ nữ trong tình yêu luôn trăn trở, suy nghĩ. Điệp từ “em nghĩ” đã cho thấy điều đó. “Em” khi đứng trước đại dương mênh mông, em nghĩ đến anh đầu tiên rồi mới nghĩ về biển lớn. Và em cũng tự hỏi lòng mình rằng sóng bắt nguồn từ nơi nào. Câu hỏi được đặt ra đã tự có được câu trả lời cho riêng mình: sóng bắt đầu từ những cơn gió – một cách lý giải rất thực tế. Nhưng nỗi băn khoăn vẫn không dừng lại: “Gió bắt đầu từ đâu?” thì lại không có câu trả lời. Cũng giống giống như thật khó để biết được từ khi nào tình yêu bắt đầu. Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã từng bộc lộ:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”
(Vì sao? – Xuân Diệu)
Dường như khi đọc đến đây, ta có thể hình dung được cái lắc đầu đầy nũng nịu của em khi trả lời câu hỏi về nguồn gốc của tình yêu. Thế mới thấy trong tình yêu, người con gái trở nên dịu dàng và đáng yêu biết chừng nào.
Và trong tình yêu, thứ gia vị đặc biệt nhất chính là nỗi nhớ:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Cũng như các nhà thơ khác, Xuân Quỳnh cũng nói về nỗi nhớ nhưng với cách rất riêng của chị. Hình ảnh “sóng” xuất hiện đối lập giữa không gian “dưới lòng sâu” và “trên mặt nước” và thời gian “ngày” và “đêm”. Nhưng dù có ở nơi đâu, tại thời điểm nào, con sóng vẫn cồn cào nhớ đến bờ. Em cũng vậy, cũng nhớ đến “anh” mà ngay “cả trong mơ còn thức” – kì lạ thay sao trong giấc mơ lại vẫn có thể thức? Phải chăng nỗi nhớ xâm chiếm lấy tâm hồn người con gái để rồi ngay cả trong giấc ngủ, hình bóng của người yêu vẫn còn đó. Cũng giống như những lời thơ mà ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng bộc lộ:
“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm!”
Người con gái trong thơ Xuân Quỳnh dù có hiện đại đến đâu, thì vẫn giữ được những vẻ đẹp truyền thống, đó là tấm lòng thủy chung, son sắc. Cũng giống như mọi con sóng, dù muôn vời cách trở xa xôi, đến cuối cùng vẫn tìm tới được bờ. Thì lòng em cũng như vậy:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Cuộc đời luôn ẩn chứa nhiều biến động, không ai có thể biết trước được những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng dù có “xuôi về phương Bắc” hay “ngược về phương Nam” thì tấm lòng của em vẫn không thay đổi. Ở đây, nếu theo quy luật thông thường người ta sẽ nói “xuôi Nam, ngược Bắc”, nhưng Xuân Quỳnh lại chọn cách nói như trên để cho thấy rằng tình yêu không theo bất cứ một quy luật tự nhiên nào. Dẫu vậy, ở nơi nào, em cũng hướng đến một phương duy nhất, đó chính là “phương anh”. Trái tim thủy chung của em vẫn dành cho duy nhất một người – đó là anh.
Và nhờ có tấm lòng chung thủy đã giúp người con gái có được một niềm tin sâu sắc mãnh liệt cho tình yêu:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Giữa đại dương mênh mông vô tận, có hàng trăm hàng nghìn con sóng vỗ dào dạt. Và dẫu có muôn vời cách trở – dẫu biển có động, trời có làm giông bão thì đến cuối cùng con sóng vẫn vượt qua để tìm được đến bờ của bình yên. Cũng như “em” và “anh” vậy. Cuộc sống luôn thay đổi không ngừng, “Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi” (Nói cùng anh, Xuân Quỳnh). Dẫu vậy, “em” vẫn một lòng tin tưởng vào tình yêu đó. Nó giống như nguồn sức mạnh giúp em vượt qua mọi khó khăn để tìm đến bên anh, tìm đến với hạnh phúc. Nhưng dù vậy, em vẫn cảm thấy cô đơn nhỏ bé trước cuộc đời, nỗi lo âu về sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô tận. Cũng là cảm giác bất an trước cái dễ đổi thay của lòng người giữa “muôn vời cách trở”. Cuối cùng, người con gái trong “Sóng” còn sẵn sàng dâng hiến, hy sinh cho tình yêu:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàm năm còn vỗ”
Câu hỏi tu từ “Làm sao” mở đầu khổ thơ như một lời tự vấn. Làm thế nào để có thể sống trọn vẹn với tình yêu? Người phụ nữ khi yêu cũng vô cùng mãnh liệt, họ ước mong được sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc trong tình yêu.
Bài thơ “Sóng” là những trạng thái, cung bậc cảm xúc đầy sinh động của tâm hồn người con gái khi yêu. Xuân Quỳnh đã thành công khi sáng tác Sóng – một bài thơ giàu ý nghĩa.
Phân tích Sóng của Xuân Quỳnh – Bài số 6
Ta từng biết đến những vần thơ yêu đương vội vàng, hối hả của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: “Đã hôn rồi hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt”. Nhưng cũng không thể không nhắc đến một Xuân Quỳnh với tình yêu dịu dàng, nhưng đậm sâu, khắc khoải, điển hình của người con gái. Tình yêu ấy đã được thể hiện đầy đủ và trọn vẹn nhất trong bài: “Sóng”.
Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, viết khi bà đứng trước biển Diêm Điền. Lúc này Xuân Quỳnh đang ở độ tuổi 25, vừa trải qua những đổ vỡ trong tình yêu. Người phụ nữ ở độ tuổi này có suy nghĩ rất chín về tình yêu; mặt khác cũng thấy được ý thức của cái “tôi” bên cạnh cái ta chung. Tác giả cũng không đặt tình yêu trong quan hệ cảm tính một chiều mà thể hiện khát vọng tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, khám phá.
Mở đầu bài thơ với hai câu thơ cùng cấu trúc tạo nên những làn sóng vừa nhẹ nhàng vừa mạnh mẽ: “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ”. Câu thơ tạo thành hai cặp đối lập: “dữ dội/ồn ào” và “dịu êm/lặng lẽ”, chỉ với bốn tính từ nhưng Xuân Quỳnh đã diễn tả đầy đủ những cung bậc khác nhau của sóng. Đây đồng thời cũng chính là cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu. Xuân Quỳnh ngắt nhịp 2/3 cho câu thơ, đồng thời với sự luân phiên nhịp nhàng bằng trắc đã có thấy sự đối nghịch trong những trạng thái của sóng, cũng là trạng thái của em, với liên từ “và” đã khẳng định dù chúng là những xúc cảm đối nghịch nhưng luôn song song tồn tại với nhau, không mâu thuẫn mà đan xen, vận động và có sự chuyển hóa. Đây chính là những cung bậc cảm xúc phức tạp trong tâm hồn người con gái đang yêu.
Chuyện tình yêu mấy ai có thể hiểu sâu sắc và tường tận, nhưng người con gái ở đây không chịu những yếu tố mập mờ như thế, cô quyết tâm từ bỏ không gian nhỏ hẹp, đến với không gian rộng lớn:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Đây quả thực là một quyết định hết sức táo bạo, quyết liệt của người con gái. Nó khác hẳn người con gái trong xã hội cũ luôn bẽn lẽn, thẹn thùng, không dám quyết định cuộc đời mình. Còn người con gái chủ động tìm kiếm câu trả lời, tìm kiếm hạnh phúc.
Khát khao được yêu thương là nỗi khát khao muôn đời, đặc biệt là tuổi trẻ. Xuân Diệu đã từng viết rằng: “Làm sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một người nào”. Yêu đương như một lẽ tất yếu của con người, và người con gái trong bài thơ cũng vậy, nỗi khát khao tình yêu bồi hồi trong lồng ngực trẻ, luôn thổn thức, rực cháy. Các từ “ngày xưa”, “ngày sau” khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của sóng cũng như sự trường tồn vĩnh cửu, bất diệt của tình yêu:
“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Trong bất cứ vấn đề nào của cuộc sống, con người luôn có nhu cầu giải mã, lí giải chúng và trong tình yêu của không phải là một ngoại lệ: “Trước muôn trùng sóng bể/…/ Khi nào ta yêu nhau”. Hình tượng sóng được Xuân Quỳnh sử dụng để diễn tả bản chất của tình yêu đó là sự bí ẩn không thể lí giải được. Giữa em và muôn trùng sóng bể có sự đối lập rất rõ nét, em nhỏ bé, mong manh, hữu hạn trước cái vô biên, rộng lớn của vũ trụ, chính điều đó đã làm thức dậy những suy tư, trăn trở trong lòng cô gái đang yêu. Từ “em nghĩ” được lặp lại hai lần, nhấn mạnh vào nhu cầu khám phá, cắt nghĩa. Em nghĩa về biển lớn “Từ nơi nào sóng lên?” và câu trả lời là “Sóng bắt đầu từ gió”, em nghĩ về anh và em, là câu hỏi muôn đời: “Khi nào ta yêu nhau?”, và câu trả lời thật chính xác: “Em cũng không biết nữa”. Quả đúng tình yêu chẳng thể đong đếm, cân đo chính xác từng giây phút, từng thời điểm, tình yêu như một cơn mưa rào, bất chợt đến khiến ta ngỡ ngàng, hạnh phúc. Hai câu hỏi của nhân vật trữ tình đan cài, hòa quyện vào nhau, chúng dường như nhập vào làm một. Nếu như nguồn gốc của sống, ta có thể cắt nghĩa được, thì nguồn cội của tình yêu ta lại không thể cắt nghĩa nổi. Đó là một điều lạ lùng, bí ẩn, đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn cho tình yêu.
Những nhịp sóng khi êm đềm, khi dâng lên cuộn trào cũng như chính cung bậc cảm xúc trong tình yêu: Con sóng dưới lòng sâu/…/ Dù muôn vời cách trở. Nỗi nhớ là cảm xúc chủ đạo của đoạn thơ này, nỗi nhớ ấy gắn với không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, với “bờ”, nó bao trùm cả thời gian “ngày đêm không ngủ được”, và xâm chiếm tâm hồn con người, ngay cả trong vô thức “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Một tiếng “nhớ” thôi mà đã diễn tả đầy đủ được tình yêu em dành cho anh. Đồng thời đây là khổ duy nhất trong bài có đến 6 câu thơ, sự phá cách ấy đã góp phần diễn tả trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ trong tình yêu.
Nỗi nhớ da diết, khắc khoải đi cùng với sự thủy chung, son sắt trong tình yêu của nhân vật trữ tình: “Dẫu xuôi về phương Bắc/…/ Hướng về anh – một phương”. Phương Bắc và phương Nam là hai địa danh cách xa nhau hàng ngàn cây số, sử dụng hai danh từ này nói lên sự xa xôi, cách trở. Đặc biệt trong cách dùng từ xuôi về Bắc, ngược về Nam dường như đã hàm chứa sự cách trở, éo le, những biến động trong cuộc đời. Nhưng đối lập với cái thường biến ấy là sự bất biến “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương”. Đó là biểu hiện của tấm lòng thủy chung, son sắt.
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Trong khổ thơ, Xuân Quỳnh sử dụng rất sáng tạo cặp hình ảnh ẩn dụ “sóng -bờ” ở đây được sử dụng rất mới mẻ dù đã được nói đến nhiều trong ca dao, thơ cũ. Nếu trong ca dao, sóng/ thuyền/ đò là ẩn dụ cho người con trai, bờ/ bến ẩn của mọi người. “Tan ra” không phải mất đi mà hòa giữa cái chung và cái riêng. Tình yêu như thế không bao giờ cô đơn.
Bài thơ sáng tạo hình tượng sóng đặc sắc, giàu ý nghĩa biểu tượng. Kết hợp với kết cấu song hành giữa “sóng” và “em” khi đan cài, hòa quyện làm một khi tách rời, độc lập để nhìn ngắm, nhận thức và soi chiếu nhau. Thể thơ ngũ ngôn, giàu nhịp điệu, ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc đã góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm.
Với hình tượng “sóng” giàu sức biểu cảm và trên cơ sở khám phá sự tương đồng “sóng” và “em”, Xuân Quỳnh đã diễn tả một cách chân thực và đầy đủ nhất tình yêu của một người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách, bão giông của cuộc đời và sự hữu hạn của đời người để sống trọn vẹn trong tình yêu. Tình yêu ấy vừa mang vẻ đẹp truyền thống vừa có những nét hiện đại.
Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh – Bài số 7
Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hàng ngày, trân trọng, nâng niu và chăm chút cho hạnh phúc đời thường. Trong các nhà thơ nữ Việt Nam, Xuân Quỳnh xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu. Bà viết nhiều, viết hay về tình yêu nhưng có lẽ Sóng là bài thơ đặc sắc hơn cả. Bởi nó nói lên được một tâm hồn khao khát yêu đương, một tình yêu vừa hồn nhiên chân thật, vừa mãnh liệt, sôi nổi của một trái tim phụ nữ .
Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca. Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã viết về tình yêu với tất cả sự nồng nhiệt của một trái tim tuổi trẻ. Ta bắt gặp một Xuân Diệu nồng nàn, đắm say và khát khao dâng hiến cho tình yêu, một Nguyễn Bính mơ màng tìm về tình yêu đồng nội, một Anh Thơ tha thiết nhưng thẹn thùng cái duyên con gái… nhưng chỉ đến Xuân Quỳnh, cái khát vọng rất đỗi đời thường của con người đó mới được bộc bạch, mà bộc bạch một cách chân thành như chính cuộc đời nhà thơ vậy: một thứ tình yêu vừa phong phú, phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, đang khao khát yêu đương .
Sóng trong tác phẩm cùng tên của nhà thơ mang hình ảnh ẩn dụ. Nó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình đầy mơ mộng của thi nhân. Sóng và em tuy hai mà một, có lúc phân đôi để soi chiếu vào nhau làm nổi bật sự tương đồng, có lúc lại hòa nhập để tạo nên âm vang cộng hưởng. Và có thể nói qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã bày tỏ một tình yêu dạt dào, mênh mông và một khát vọng vĩnh hằng về tình yêu đôi lứa
Mở đầu bài thơ là trạng thái tâm lý đặc biệt của một tâm hồn đang khao khát yêu đương, đang tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn. Xuân Quỳnh diễn tả thật cụ thể cái trạng thái khác thường, vừa phong phú vừa phức tạp trong một trái tim cồn cào khao khát tình yêu. Tính khí của người con gái đang yêu, cũng như sóng vậy thôi, vốn mang trong nó nhiều trạng thái đối cực: “Dữ dội và dịu êm, Ồn ào và lặng lẽ”… Và cũng như sóng, trái tim người con gái đang yêu không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp, luôn vươn tới cái lớn lao để có thể đồng cảm, đồng điệu với mình “Sông không hiểu nổi mình, Sóng tìm ra tận bể” . Có thể thấy, ngay trong khổ thơ đầu tiên này một nét mới mẻ trong quan niệm về tình yêu. Người con gái khao khát yêu đương nhưng không còn nhẫn nhục, cam chịu nữa . Nếu “Sông không hiểu nổi mình” thì sóng sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó “Tìm ra tận bể”, đến với cái cao rộng, bao dung. Thật là minh bạch và cũng thật là quyết liệt !
Nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim con người, trong quan niệm của Xuân Quỳnh, là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ. Nó cũng như sóng, mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian. Từ ngàn xưa, con người đã đến với tình yêu và mãi mãi cứ đến với tình yêu. Với con người, tình yêu bao giờ cũng là một khát vọng bồi hồi:
Ôi con sóng ngày xưa
…
Bồi hồi trong ngực trẻ
Khi tình yêu đến, như một tâm lý tự nhiên và thường tình, người ta luôn có nhu cầu tự tìm hiểu và phân tích. Nhưng tình yêu là một hiện tượng tâm lý khác thường, đầy bí ẩn, không thể giải quyết được bằng lý lẽ thông thường, làm sao có thể giải đáp được câu hỏi về khởi nguồn của tình yêu, về thời điểm bắt đầu của một tình yêu. Cái điều mà trước đó đã từng là Xuân Diệu băn khoăn “Làm sao cắt được nghĩa tình yêu? ” thì nay một lần nữa Xuân Quỳnh bộc bạch một cách hồn nhiên, thật dễ thương. Tình yêu cũng như sóng biển, như gió trời vậy thôi, làm sao có thể hiểu hết được. Nó cũng tự nhiên, hồn nhiên như thiên nhiên, và cũng khó hiểu, nhiều bất ngờ như tự nhiên vậy :
Sóng bắt đầu từ gió
….
Khi nào ta yêu nhau
Tình yêu thường cũng gắn liền với nỗi nhớ khi xa cách. Nỗi nhớ của một trái tim đang yêu được Xuân Quỳnh diễn tả thật mãnh liệt. Một nỗi nhớ thường trực cả khi thức, cả khi ngủ, bao trùm lên cả không gian. Một nỗi nhớ còn cào, da diết, không thể nào yên, không thể nào nguôi. Nó cuồn cuộn, dào dạt như những đợt sóng biển triền miên, vô hồi, vô hạn . Nhịp thơ trong suốt bài thơ này là nhịp sóng, nhưng rõ nhất, dào dạt, hăm hở, náo nức nhất , mãnh liệt nhất là ở đoạn thơ này :
Con sóng dưới lòng sâu
….
Ngày đêm không ngủ được
Và, như trên đã nói, vẫn là hình tượng song hành của sóng và em bổ sung đắp đổi cho nhau nhằm diễn tả sâu sắc hơn, ám ảnh hơn tình yêu và nỗi nhớ cùng với lòng thủy chung vô hạn của một trái tim đang rạo rực yêu thương . Nỗi nhớ được diễn tả qua hình tượng con sóng nhớ bờ “ Ngày đêm không ngủ được” vẫn chưa đủ, chưa thỏa, lại được thể hiện một lần nữa qua nỗi nhớ của nhà thơ: “Lòng em nhớ đến anh, Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ tràn đầy lòng yêu của thi sĩ. Nỗi nhớ thường trực trong mọi không gian và thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi trong ý thức, xâm nhập vào cả trong giấc mơ. Những đòi hỏi, khao khát yêu đương của người con gái được bộc lộ thật mãnh liệt nhưng cũng thật giản dị: sóng chỉ khao khát tới bờ cũng như em khao khát có anh! Tình yêu của người con gái ở đây vừa thiết tha, mãnh liệt, vừa trong sáng, giản dị, vừa thủy chung duy nhất. Qua hình tượng sóng và em . Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo, không hề giấu giếm cái khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của mình, một phụ nữ, một điều hiếm thấy trong văn học Việt Nam .
Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, khi mà nhà thơ đã từng nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Song, người phụ nữ hồn hiên tha thiết yêu đời này vẫn còn ấp ủ biết bao hi vọng, vẫn phơi phới một niềm tin vào hạnh phúc trong tương lai. Vừa tự động viên, an ủi mình, tác giả vừa tin vào cái đích cuối cùng của một tình yêu lớn như con sóng nhất định sẽ “tới bờ”, “dù muôn vời cách trở”. Tương lai hạnh phúc như đang còn ở phía trước. Và vì thế, ý thức về thời gian chưa làm nhà thơ lo âu mà chỉ làm tăng thêm niềm tin tưởng:
Cuộc đời tuy dài thế
….
Mây vẫn bay về xa
Xuân Quỳnh vừa thổ lộ trực tiếp, vừa mượn hình tượng sóng để nói và suy nghĩ về tình yêu. Những ý nghĩ này có vẻ tự do, tản mạn, nhưng từ trong chiều sâu của thi tứ vẫn còn sự vận động nhất quán. Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la, rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thủa:
Làm sao được tan ra
…
Để ngàn năm còn vỗ
Người con gái mong muốn hòa mình vào bể đời rộng lớn, bứt mình ra khỏi những lo toan tính toán , để ngập chìm trong bể lớn tình yêu. Phải có một tình yêu như thế nào thì mới có được một mong muốn cao cả đến chừng ấy . Khát vọng tình yêu cũng là khát vọng sống mãnh liệt đủ đầy. Cuộc đời còn tình yêu thì cuộc đời còn tươi đẹp và đáng sống và sống trong tình yêu là một điều hạnh phúc. Xuân Quỳnh mong ước được sống mãi trong tình yêu, bất tử với tình yêu .
Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng, vừa mãnh liệt, sôi nổi, vừa hồn nhiên, trong sáng, vừa ý nhị sâu xa. Sau này khi đã nếm trải nhiều cay đắng trong tình yêu, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn tồn tại mãi mãi trong trái tim tràn ngập yêu thương của nhà thơ.