Truyện ngắn: Bầy chim câu trong hẻm nhỏ

 Truyện ngắn: Bầy chim câu trong hẻm nhỏ

Nói là nhỏ nhưng thật ra hẻm không nhỏ lắm, một chiếc ôtô con cũng vào được. Có điều hẻm rất thoáng: nhà chỉ nằm một bên, trước mặt là bức tường gạch của một công ty.

Khuôn viên của công ty khá rộng, cây cối nhiều. Nhờ đó, cư dân trong hẻm hưởng được cái không khí thoáng mát. Nhưng không phải chỉ cư dân: cả một bầy chim câu nữa, không biết “nhà cửa” ở đâu, thỉnh thoảng chúng cứ tụ về đậu dài trên bức tường cùng hưởng cái không khí ấy.

Một buổi sáng, khoảng hơn 7h, có tiếng loa chạy dài suốt hẻm thông báo có một ca F0. Ban đầu cư dân trong hẻm cũng nhốn nháo nhưng thoáng chốc im ắng, vắng lặng.

Đầu hẻm, chỗ khoảng rộng có cây sung, rào chắn được kéo qua. Một chiếc dù được bung to, phía dưới đặt một chiếc bàn, mấy cái ghế. Mấy anh dân phòng đeo băng đỏ nói: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập!”.

Ngay hôm sau, một cái kệ lớn được mang đến và rau muống, rau cải, bầu, bí, trứng gà, trứng vịt được đặt vào từng ngăn. Tiếng loa cất lên: “Có chợ không đồng ngoài đầu hẻm, mời bà con…”.

Lác đác có vài cư dân đeo khẩu trang, mang miếng chắn, đi sát tường rào ra “chợ”. Hẻm vẫn im ắng, vắng lặng, riêng bầy chim câu buổi sáng vẫn kéo về đậu trên bờ tường…

Đến ngày thứ ba, trời vừa sáng tỏ, cổng ngôi nhà có cây trứng cá mở, chiếc xe lăn quen thuộc của cụ Thỉnh nhô ra. Phía sau vẫn là Tí, một cậu bé trạc mười hai tuổi, bụ bẫm, chắc nịch, cháu nội cụ, hai bàn tay to bè nắm chặt hai cần xe lăn nhè nhẹ đẩy.

Chiếc xe lăn đến gần bức tường, cụ Thỉnh vừa đưa tay lôi chiếc hộp nhựa và mở chiếc nắp ra thì bất ngờ bầy chim câu từ đâu vù vù bay đến. Chúng lao xao, ríu rít chen nhau, giành nhau đậu trên bức tường, náo nức nhìn theo từng động tác của cụ.

Lâu nay ngày nào cũng như ngày nào, cụ Thỉnh đều rải lúa cho bồ câu. Riết thành quen, hễ thấy bóng dáng cụ là bầy chim gọi nhau tụ về. Không ai nhớ cụ “nuôi” bầy chim đã bao năm, cư dân trong hẻm chỉ biết rằng cụ cho chim ăn mỗi ngày từ khi cụ còn bước chầm chậm đến khi cụ chống cái gậy tre, rồi dần dần cái gậy tre cũng không còn mà thế vào chiếc xe lăn. Đứa cháu nội đẩy phía sau, cụ ngồi trên xe tay cầm cái hộp nhựa đựng đầy lúa.

Bầy chim câu thì vẫn vậy, dù cụ bước chầm chậm, chống gậy hay ngồi xe lăn, chúng vẫn nhốn nháo bay về. Cụ Thỉnh có thói quen không rải lúa tung tóe. Cụ tỉ mỉ vê, sắp lúa thành một đường cong chữ s trên mặt đường hẻm, dọc theo tường.

Dường như biết tính cụ tỉ mỉ, ngăn nắp nên bầy chim sà xuống không tranh giành náo loạn mà tự chia chỗ cho nhau sắp dài theo hàng lúa, tạo nên hình chữ s bằng chim sinh động, đầy màu sắc. Lúc ấy cư dân nào trong hẻm đi qua cũng đều dừng lại, thích thú đứng nhìn đường – cong – chim lao xao.

Đến ngày thứ tư phong tỏa, người ta thấy Tí đẩy xe đưa ông nội ra đầu hẻm: cụ Thỉnh “đi chợ” không đồng. Cụ ngồi im lặng trên xe lăn đưa mắt nhìn khắp các ngăn kệ đầy rau trái. Thấy vậy, một anh dân phòng tay đeo băng đỏ niềm nở hỏi: “Dạ, cụ cần gì con lấy cho ạ”. “À, à – cụ nhỏ nhẹ hỏi – mình có lúa không con?”.

Đầy ngạc nhiên, anh dân phòng hỏi lại: “Dạ, cụ hỏi gì ạ? Lúa à?”. Đúng ý, cụ gật gật đầu cười: “Lúa con ạ, lúa cho chim ăn…”. Anh dân phòng cười ồ, thốt lên: “Trời ơi! Lúa. Làm gì có lúa ở đây hả cụ”. Mắt cụ bỗng chùng xuống, nét buồn phủ qua gương mặt.

Lanh lợi, Tí chồm tới giãi bày: “Chú ơi, ý ông cháu muốn nói là nhờ mấy chú đi mua giùm lúa cho ông cho bầy chim ăn, có được không ạ?”.

Nghe cháu nói, cụ Thỉnh gật gật đầu tỏ vẻ rất vừa ý: “Mua giùm, mua giùm ông, mấy cháu…”. Anh dân phòng ngồi dưới chiếc dù nhanh nhẩu đứng dậy: “Dạ, thôi cụ về đi, để tụi con tính xem sao”.

Vậy mà các anh tính được: buổi chiều, một anh dân phòng xách bịch lúa 3kg đem tận nhà cho cụ Thỉnh. Tí ra nhận lúa mà tay run run, miệng thì réo lên: Có lúa rồi, có lúa rồi, ông nội ơi!.

Có lúa rồi. Có lúa rồi, nhưng cụ Thỉnh lại không còn dịp để cho bầy chim câu ăn nữa…

Ngay tối hôm đó, một đội y tế đến thông báo với cả nhà: cụ Thỉnh và mấy người trong nhà bị dương tính.

Và sau đó, một chiếc xe có dấu chữ thập đỏ âm thầm de vào con hẻm. Sáng hôm sau, con hẻm vắng lại càng vắng. Bầy chim câu vẫn kéo về sà xuống đậu trên bờ tường, ngác ngác rồi lặng lẽ bay đi.

Thời gian chậm rãi trôi qua. Năm ngày, bảy ngày, rồi mười ngày… Chợ không đồng vẫn mở cửa, nhưng khách đi chợ rất thưa vắng.

Thỉnh thoảng mới có một người dân trùm kín mặt mũi bước nhanh ra chợ. Bầy chim câu quen thuộc cũng biệt tăm: khoảng bờ tường trước nhà cụ Thỉnh như trống hơn, dài hơn.

Nhưng buổi sáng sau đó, cư dân trong hẻm bỗng nghe tiếng vỗ cánh của bầy chim câu từ trên không vọng lại. Bầy chim về. Chúng về, không ríu rít ồn ào mà dường như con nào cũng thu mình lại khe khẽ đậu xuống bờ tường.

Cũng ngay lúc đó, trong con hẻm vắng xuất hiện ba người lính với quân phục chỉnh tề. Một người đi trước, hai người đi song song phía sau. Cả ba khuôn mặt nghiêm trang với những bước chân nghiêm trang.

Người lính đi đầu, dáng vẻ đầy sự thành kính, hai tay ôm một chiếc hũ phủ tấm vải đỏ. Họ lặng lẽ dừng trước ngôi nhà có cây trứng cá. Những người lính khuất trong nhà, bầy chim vẫn ở đó. Mãi đến khi họ bước ra hẻm và khuất dạng, bầy chim mới nhẹ nhàng vỗ cánh bay lên.

Hôm sau, cổng nhà có cây trứng cá lại mở: Tí bước ra, hai tay ôm chiếc hộp nhựa đựng đầy lúa. Bầy chim câu lại về, nhốn nháo tranh nhau đậu trên bờ tường. Tí ngồi xuống, vụng về vê rãi từng hạt lúa mà đôi mắt đầy nước mắt.

Bầy chim sà xuống sắp theo đường cong mổ lia lịa. Tí đứng chỗ gốc cây trứng cá nhìn đăm đăm hình chữ s chim lao xao. Bất giác, Tí đưa cánh tay gạt đôi mắt ướt và khuôn mặt bỗng sáng lên, một nụ cười nở trên môi thơ trẻ…

HÀNG CHỨC NGUYÊN (TUỔI TRẺ)

HongLien

Related post