Lựa chọn BẠN hay THÙ?
Lựa chọn bạn hay thù?
Ngày xưa, có một người nông dân và một người thợ săn là hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một đàn chó săn rất dữ tợn và khó bảo, chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người nông dân bảo người hàng xóm của mình hãy trông nom đàn chó cẩn thận, nhưng xem ra những lời đó đều bị bỏ ngoài tai.
Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong đàn bị thương nặng. Lúc này, người nông dân không thể chịu đựng thêm được nữa. Anh ta bèn lên chính quyền để báo.
Hạt trưởng (county chief) chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói:
“Ta có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì hơn: một người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của mình?”
Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn hơn. Vị hạt trưởng nghe vậy bèn phán: “Được! Vậy ta sẽ bày cho anh một cách để vừa bảo vệ an toàn cho đàn cừu, vừa giữ được một người bạn”.
Người nông dân bèn nghe theo lời chỉ dẫn của vị hạt trưởng. Vừa về đến nhà, người nông dân liền thử làm theo những gì vị hạt trưởng đã bày cho anh ta. Anh ta bắt ba con cừu tốt nhất của mình và đem tặng chúng cho ba cậu con trai nhỏ của người hàng xóm. Đám trẻ rất vui thích quấn quít chơi đùa bên mấy con cừu. Để bảo vệ cho những con thú cưng của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi chắc chắn để nhốt đàn chó. Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của người nông dân nữa.
Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân đối với những đứa con của mình, người thợ săn thường mang chiến lợi phẩm mà anh ta săn được, sang biếu người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thịt cừu và phô mai mà anh ta làm ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai người hàng xóm đã trở thành đôi bạn thân thiết của nhau.
Bình luận
(1) Phương Đông, có một câu ngạn ngữ cổ thế này: “Một người chỉ có thể cảm hóa và thu phục người khác bằng lòng tốt và thiện tâm”. Hay lên chùa cũng hay thấy dòng chữ: “Lấy oán báo oán, oan oán chập trùng, lấy ân báo oán, oán kia sẽ tiêu tan”.
(2) Phương Tây, cũng có một câu thành ngữ tương tự như thế: “Người ta bắt được nhiều ruồi bằng mật hơn là bằng giấm” (Mật ngọt chết ruồi).
(3) Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, chắc chắn sẽ có những bất đồng xảy ra. Nếu thật lòng muốn kiến tạo một đời sống hòa thuận, thế nào bạn cũng sẽ tìm được cách của mình!
(4) Trong lý thuyết trò chơi (game theory), thì trò chơi hợp tác (cooperative game) thường cho phần thưởng lớn hơn trò chơi không hợp tác (non-cooperative game), nhất là trong cân bằng ổn định dài hạn.