Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021

 Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021

Kinh tế Việt Nam 6 tháng năm 2021,
nhận định về tăng trưởng và tác động của ứng phó dịch bệnh đối với doanh nghiệp

Do đọc báo cáo của chính phủ ngày hôm qua trước quốc hội. Mình có nhận định khác về bản đánh giá này, đặc biệt là mục số (2) và số (3) của mình.

(1) Tình hiện dịch bệnh

Hiện nay, mức độ lây lan có thể theo cấp số nhân. Đó là những điều phát hiện qua năng lực xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết, trong khi chờ vaccine. Mục tiêu của chính phủ là vừa duy trì hoạt động kinh tế cần thiết, tối thiểu để không mất mạng lưới kinh doanh. Bên cạnh đó, đưa mục tiêu an toàn cộng đồng lên hàng đầu. Chúng ta thử hình dung con kiến có thể soi lỗ dẫn nước phá hủy hoàn toàn con đê, thì con viruscorona ở đây cũng vậy, nó hoàn toàn phá hủy kinh tế một quốc gia, mà có thể đưa đến một thập niên mất mát khó khôi phục lại.

Tác động dịch bệnh đến doanh nghiệp quy mô hộ gia đình trên diện rộng, kế đến là các khu công nghiệp, thất nghiệp trên toàn xã hội cao, các doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng, duy trì sự tồn tại.

Kinh tế bị chia cắt cục bộ, tuy vẫn duy trì hàng hóa thiết yếu về giá và số lượng theo các kênh siêu thị và các điểm bán lẻ, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu khi các chợ truyền thống, điểm bán lẻ đóng cửa.

Các bạn thử hình dung một cỗ máy đang chạy, một chiếc tàu hỏa đang di chuyển trên đường ray hay một con tàu trên biển, không thể dừng lại đột ngột. Nền kinh tế hay một hệ sinh thái kinh tế cũng y chang như vậy. Khu vực tổn thương nhất có thể kể đến là những người lao động, kiếm kế sinh nhai hàng ngày, là chịu ảnh hưởng đầu tiên. Kế đến là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, mạng lưới kinh doanh mỏng và sơ khai.

 

(2) Hiểu đúng về tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng ngành từ báo cáo kinh tế

 

Trong báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, có nhiều nhận định trên mức hiện trạng của nền kinh tế. Nguyên nhân chính là do hiểu không đúng về con số tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng ngành được lấy từ con số của 2 năm liền kề. Năm 2020 là năm bắt đầu chịu tác động mạnh của dịch bệnh, cho nên số liệu sụt giảm đáng kể so với các năm trước đó.

Cụ thể là trong năm 2019, tăng trưởng GDP (6,77%), nông nghiệp (1,15%), công nghiệp chế biến (11,18%), xây dựng (7,85%) và dịch vụ (6,69%) (số liệu tăng trưởng 6 tháng đầu năm); Nhưng sang năm 2020, do tách động của dịch bệnh cho nên số liệu giảm đáng kể: Tăng trưởng GDP (1,81%), nông nghiệp (0,88%), công nghiệp chế biến (5,06%), xây dựng (4,54%) và dịch vụ (0,48%) (GSO, 2021)
Bây giờ, sang năm 2021, tăng trưởng GDP (5,64%), nông nghiệp (3,69%), công nghiệp chế biến (11,42%), xây dựng (5,59%) và dịch vụ (3,96%).

Tất cả số liệu tính toán 6 tháng đầu năm 2021 dựa vào số liệu tuyệt đối của năm trước 2020. Mà số liệu năm 2020, do tác động dịch bệnh đã giảm đáng kể, cho nên khi so sánh 2 năm liền kề thì con số tăng trưởng GDP hay ngành không hề có giá trị khi so sánh với các năm 2011 – 2019, mà chỉ có giá trị khi so sánh với năm suy thoái 2020.

Ví dụ khi thấy tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64%, thì đó là sự tăng trưởng chỉ so với năm suy thoái kinh tế 2020, chứ không hề đánh đồng so với các năm khác.

Nói tóm lại, khi so sánh để tính toán và đưa ra nhận định, nên so sánh với trạng thái bình thường của nền kinh tế, tức là trung bình cả giai đoạn 2011 – 2019, chứ không thể lấy thời điểm 2021 mà so với 2020. Cả 2 năm này, kinh tế Việt Nam đều chịu tác động mạnh của dịch bệnh và ở trạng thái “không bình thường”. Từ so sánh này có những phát biểu “lạc quan” không đúng về kinh tế.

 

(3) Các ứng phó đối với dịch bệnh đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp

 

Khi có dịch bệnh thì thiệt hại sẽ đến với người dân, doanh nghiệp và chính phủ. Tuy nhiên, các ứng phó hiện hành đang gây thiệt hại cho doanh nghiệp:

(i) Chi phí xét nghiệm, phòng ngừa dịch bệnh, doanh nghiệp phải chịu, trong khi đó chi phí xét nghiệm và tiêm vaccine thì chính phủ các nước miễn phí; Doanh nghiệp không sản xuất hàng hóa thiết yếu, thì sẽ không có nguyên vật liệu đầu vào vì cấm vận chuyển, cho nên cũng không sản xuất, gây mất cân đối không đáng có;

(ii) Nhiều mối liên kết kinh tế hay mạng lưới kinh doanh bị phá vỡ. Mối liên về phía sau, tức là đầu vào cho sản xuất bị gián đoạn, không đồng bộ, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, ổn định, cân đối của việc sản xuất hàng hóa. Mối liên kết về phía trước, tức là nguồn cung hàng hóa cho đại lý và khách hàng cũng bị cắt đứt, gián đoạn. Các điểm bán lẻ, chợ truyền thống, đóng cửa ảnh hưởng đến cấu trúc không gian phân phối hàng thiết yếu đến người dân. Mạng lưới kinh doanh, được hình thành, kiến tạo và tích lũy từ khi doanh nghiệp ra đời, bị lung lay, đỗ vỡ.

(iii) Mỗi một địa phương áp dụng theo một kiểu, theo sự hiểu biết của họ về vận tải “hàng thiết yếu”, đã gây thiệt hại đáng kể, và thậm chí ngưng trệ sản xuất và phân phối của doanh nghiệp, chẳng hạn như sữa và nước giải khát, rau xanh, tiền,…, một số nơi không cho là hàng thiết yếu, buộc phải quay xe trở lại, thậm chí cả tuyến vận tải đường dài từ Nam ra Bắc;

(iiii) Doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất thì phải đảm bảo 3 tại chỗ, lo “ăn, ở, y tế” cho toàn bộ lao động. Như vậy, chi phí sản xuất tăng đáng kể, chưa kể là giá điện và giá xăng dầu tăng. Nếu phát hiện ca nhiễm, thì doanh nghiệm tốn thêm chi phí xét nghiệm toàn nhà máy. Một nhà máy sản xuất hạt nhựa, hơn 100 lao động, ở Dĩ An, Bình Dương, phát hiện 5 ca F0, địa phương buộc ngưng sản xuất, xét nghiệp toàn nhà máy, cách ly tại chỗ. Tất cả chi phí do doanh nghiệp phải chịu. Chuyện này nếu xảy ra, thì một nước thông thường ứng phó như thế nào? Chẳng hạn như nước Đức, khi phát hiện tới đâu, khoanh vùng, xét nghiệm tới đó, nhiễm bệnh thì tự cách ly ở nhà 14 ngày, những người khác làm việc bình thường. Nghỉ ở nhà thì chính phủ hỗ trợ từ 70% đến 75% lương cơ bản. Tình hình ở Việt Nam hiện nay, nếu chính phủ nắm một cục tiền thì khó mà phân bổ kịp thời, công bằng, hiệu quả, cho những người lao động ở tuyến cuối. Trong trường hợp này, thì chính quyền địa phương căn cứ vào hợp đồng lao động và danh sách đóng bảo hiểm xã hội mà hỗ trợ.

(v) Cũng như dòng hàng hóa và dịch vụ, dòng tiền của doanh nghiệp cũng gián đoạn. Doanh nghiệp vừa là con nợ và vừa là chủ nợ. Chỉ một khâu nào đó của doanh nghiệp bị phong tỏa thì ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Nợ ngân hàng của doanh nghiệp và nợ giữa các doanh nghiệp lẫn nhau, có khuynh hướng tăng, lãi suất giảm không đáng kể.

 

(4) Chính sách kinh tế và phòng chống dịch trong khi chờ vaccine

Tránh phong tỏa, cách ly trên diện rộng về mặt không gian, rồi bên trong kiểm soát lỏng lẻo. Hay phong tỏa, cách ly trên diện hẹp về mặt không gian, rồi mặc kệ bên ngoài lây lan dịch bệnh. Sở y tế và HCDC phải chịu trách nhiệm chuyên môn và doanh nghiệp chịu trách nhiệm tài chính và pháp lý về các thiệt hại để lây lan cộng đồng.

Tránh luôn việc phong tỏa và cách ly trên tổng thể, mà gây tê liệt hoàn toàn, thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và người lao động. Một số doanh nghiệp đã duy trì hoạt động, bảo vệ sản xuất, bảo vệ người lao động, an toàn phòng chống dịch tốt, mà dừng sản xuất thì vô lý và mất công bằng cho họ.

Phải nới lỏng dần biện pháp phong tỏa, dựa theo số lượng lây nhiễm giảm, để cuộc sống người dân và doanh nghiệp không quá xáo trộn. Theo kinh nghiệm các nước, khi phát hiện ca lây nhiễm trong doanh nghiệp, thì khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly tại nhà 14 ngày đối với lao động lây nhiễm, chính phủ hỗ trợ tài chính qua mức lương cơ bản, không dồn người lây nhiễm lên bệnh viện địa phương hay tuyến trên, trừ những trường hợp bệnh trở nặng. Những lao động không bị lây nhiễm vẫn hoạt động bình thường. Với sự phối hợp này, thì vừa duy trì được hoạt động kinh tế cơ bản và vừa phòng dịch, trong khi chờ vaccine.

Các địa phương, tỉnh thành nên phối hợp với nhau trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Không thể để mỗi một địa phương như một thực thể độc lập hiện nay và gây trở ngại cho doanh nghiệp, như đã phân tích ở trên.

 

<–TS. Nguyễn Hoàng Bảo–>

Related post